Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của nhiều người trở nên chật vật, nhất là với các hộ nghèo. Song, trong lúc khó khăn lại xuất hiện những điều tưởng chừng chỉ tồn tại trong chuyện cổ tích. Ngôi nhà trị giá hơn 100 triệu đồng đang được xây cất giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dành tặng cho gia đình anh Hồ Văn Phim ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đăc-Krông, tỉnh Quảng Trị là một câu chuyện như thế.

Nợ chồng nợ, giấc mơ “sửa nhà” vụt tắt

5 “miệng ăn” nhưng gia đình anh Hồ Văn Phim thường xuyên chỉ có 1 lao động chính. 3 con còn nhỏ, nếu vợ lên nương, làm rẫy thì anh ở nhà trông con và ngược lại. Ruộng nương cũng không nhiều, chỉ khoảng 0,5 héc-ta đất rẫy, quanh năm chỉ có cây ngô, cây sắn. Nếu được mùa, bán hết cũng chỉ thu được vài chục triệu đồng. Thành ra, nếu “được mùa, được giá”, sức khỏe của các thành viên ổn định và khéo chi tiêu thì may chăng mới đủ ăn. Thế nhưng thật trớ trêu, xã A Ngo là địa bàn hay xảy ra thiên tai. Vợ và các con cũng cũng hay đau yếu, cuộc sống vốn đã thiếu thốn vì thế lại càng thêm vật vật. “4 năm sau khi cưới, vợ ốm liên tục. Vợ đỡ hơn thì các con lại ốm. Em lâm cảnh nợ nần vì lo chữa bệnh cho vợ, con”, anh Phim than thở.

Năm 2015, anh Phim mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách rồi mua bò, dê và lợn để chăn nuôi những mong cải thiện kinh tế, sửa sang lại ngôi nhà dột nát. Song càng hy vọng bao nhiêu anh càng thất vọng bấy nhiêu khi vật nuôi bị bệnh rồi chết. Nợ cũ chưa trả hết anh lại gánh thêm khoản nợ mới. Mơ ước về việc sửa lại ngôi nhà cũng theo đó mà vụt tắt.

Lau nước mắt, anh Phim kể: “Nhà em trước làm bằng tre. Cứ hễ mưa là trong nhà cũng như ngoài trời, áo, quần, nồi niêu ướt hết. Đêm xuống, em phải gửi mấy đứa nhỏ đi ngủ nhờ nhà hàng xóm mỗi khi trời mưa bão vì nhà mình có thể sập bất cứ lúc nào”.

Ngôi nhà xây đắp bằng tình quân dân

Trong thời điểm khó khăn nhất, dịch bệnh Covid-19 lại diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động mất việc làm, giảm thu nhập, anh Phim càng không dám mơ về ngôi nhà mới. Thế nhưng mong ước ấy đang dần trở thành hiện thực. Một ngôi nhà sàn kiên cố, trụ-dầm được làm bằng bê-tông cốt thép, sàn gỗ, mái lợp tôn, rộng 56 mét vuông, trị giá hơn 100 triệu đồng đang được các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị dựng lên để dành tặng cho anh.

Nhìn ngôi nhà đang dần hình thành trước mắt mà có những khi anh Phim không tin vào mắt mình bởi niềm vui quá lớn và bất ngờ. “Em không dám nghĩ mình có ngôi nhà như hôm nay. Có nhà mới thì gia đình yên tâm và cố gắng vươn lên để thoát nghèo. Em cảm ơn và hứa với cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay là sẽ cố gắng làm ăn thật tốt và giữ gìn ngôi nhà để không phụ lòng của cán bộ chiến sỹ”, anh Phim bày tỏ.

Không chỉ mừng cho anh Phim, người hàng xóm - anh Hồ Văn Năng còn rất xúc động mỗi khi nhìn các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay tự tay “đánh vôi, xách vữa” xây dựng ngôi nhà. Càng cảm động hơn nữa khi biết nhiều chiến sỹ đêm đi làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ đường biên, mốc giới, chống dịch covid-19, ngày lại đến làm “thợ xây”, “thợ hồ”. “Ngày nắng cũng như ngày mưa, các cán bộ, chiến sỹ đều thay nhau đến dựng nhà. Ngày nghỉ, cuối tuần cũng thấy đến làm. Mình cảm kích lắm”, anh Năng chia sẻ.

Hứa hẹn trở thành “điểm văn hóa thôn bản”

Dự kiến ngôi nhà sẽ được hoàn thiện và bàn giao cho gia đình anh Phim vào cuối tháng 7/2021. “Tháng 8 là cao điểm của mùa mưa, bão ở khu vực xã A Ngo. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng để gia đình anh Phim sớm có nơi ở an toàn, ổn định”, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh bày tỏ quyết tâm.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, đơn vị khi vận động, xây dựng nhà mới cho gia đình anh Phim còn nhằm mục đích biến nơi đây trở thành địa chỉ tránh, trú bão cho các hộ gia đình lân cận. “Toàn xã A Ngo hiện còn khoảng 40% hộ nghèo, đời sống của đồng bào nhìn chung còn khó khăn. Một số gia đình vẫn đang sống trong những căn nhà tạm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào khi xảy ra mưa, bão”, Thượng tá Linh chia sẻ.

A Ngo là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng còn nghèo và lạc hậu. Đây là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển về kinh tế, xã hội của vùng đất này. Chính vì thế, khi dành nhiều tâm huyết để tạo dựng nơi ở mới cho gia đình anh Phim, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay còn hướng tới việc thay đổi những thói quen, tập tục lạc hậu của đồng bào. “Ở đây vẫn còn tình trạng người dân ăn bốc, ngủ ngay cạnh chỗ nuôi gia súc, gia cầm. Những ngày ngày, đơn vị đang tiếp tục vận động nguồn lực để mua tặng một cái Tivi, một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu như nồi, niêu, bát, đũa…Khi làm xong nhà, đơn vị sẽ kéo điện về để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua đây từng bước tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về lối sống cũng như phương thức canh tác của bà con”, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh chia sẻ.