Buổi chiều hôm ấy đã trở thành định mệnh với cậu sinh viên Nguyễn Văn Nhã, Khoa công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Em đã quên mình cứu các bạn thoát khỏi cơn sóng biển hung dữ để rồi ra đi mãi mãi ở tuổi 23 đẹp nhất.

Sự ra đi của em mang lại mạng sống cho 3 con người khác.

Một sự hy sinh không toan tính.

Một sự hy sinh khiến cả cộng đồng cảm phục thương xót và thậm chí nhiều người còn tôn vinh em là anh hùng…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ngay lập tức đã gửi thư chia buồn tới gia đình và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương dũng cảm.

Trung ương Đoàn đã truy tặng em Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vì hành động quên mình cứu bạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tặng Huân chương Dũng cảm cho sinh viên Nguyễn Văn Nhã.

Cảm phục, tiếc thương nhưng cái chết cao đẹp của chàng trai trẻ cũng khiến nhiều người giật mình. Bởi hầu như năm nào cũng có những vụ việc đau lòng tương tự như thế xảy ra ở các khu vực hồ ao, sông suối và ở cả các bãi tắm biển.

Với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, nước ta được coi là nơi có nhiều bãi biển đẹp nhất nhì khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ những nơi có bãi tắm đẹp và an toàn rất thấp, đa phần thuộc các khu khách sạn, resort cao cấp, có sự quản lý nghiêm ngặt và người ngoài không thể vào được.

Còn lại, các bãi tắm đa phần giống nhau ở những cái "không", không có đường ranh giới cảnh báo khu vực an toàn, không cứu hộ cứu nạn, không có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác cảnh báo, cứu hộ cứu nạn, không có trạm quan sát cứu hộ cứu nạn, không đảm bảo an toàn cho người dân và du khách....nhưng vẫn tồn tại…. Liệu rằng trong vô số những cái “không” ấy, có trách nhiệm và cả sự tắc trách trong quản lý của chính quyền địa phương…?

Đó là chưa kể tới công tác cứu hộ, cứu nạn tại những bãi tắm có sự quản lý của ngành du lịch địa phương, nhiều người cũng đã phải lắc đầu ngao ngán bởi không chỉ yếu mà thậm chí, chỉ là "mang tính hình thức"… Có những bãi biển dài cả hàng trăm cây số nhưng chỉ có một hoặc hai nhân viên cứu hộ trong khi có tới hàng trăm nghìn du khách tắm biển…Nếu chẳng may sự cố xảy ra, lực lượng cứu hộ “hùng hậu” này có kịp thời xuất hiện để ứng cứu…? Đó là chưa muốn nói tới chuyên môn xử lý của những người cứu hộ cứu nạn, có đủ kỹ năng để hỗ trợ nạn nhân?

Thời gian qua, nhiều hoạt động vui chơi trên biển được đầu tư kinh doanh với nguồn lực không hề nhỏ và tìm mọi cách để có thể thu phí của du khách…Thế nhưng điều quan trọng nhất khi xuống biển tắm là bảo đảm an toàn cho con người thì lại ít được chính quyền địa phương để ý, với lý do muôn thuở, thiếu kinh phí, thiếu nguồn lực….

Rõ ràng không gì và không ai có thể lường trước cũng như tránh được những rủi ro…Thế nhưng nếu như vẫn tồn tại kiểu biện minh thiếu trách nhiệm và buông lỏng sự giám sát quản lý của chính quyền địa phương thì chắc chắn xã hội sẽ tiếp tục phải chứng kiến nhiều hơn thế những cái chết thương tâm như cậu sinh viên Nguyễn Văn Nhã…

Ngoài việc nâng cao ý thức, kỹ năng xử lý cần thiết của chính người dân thì vấn đề quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần dành sự quan tâm đúng mức cho công tác cứu hộ, cứu nạn bãi biển. Lý do thiếu kinh phí, nguồn lực chỉ là biện minh cho sự tắc trách. Đảm bảo an toàn tối đa cho tính mạng con người phải được ưu tiên hàng đầu!