Theo đúng kế hoạch, ngày 15/8 tới đây, gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 (có quy mô 6.600 tỷ đồng) sẽ là hạn cuối tiếp nhận hồ sơ đề nghị. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu giải ngân xong trong tháng 8. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có tình trạng nhiều địa phương chưa giải ngân được đồng nào.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, dù Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động nhưng thực tế tính đến nay vẫn còn các địa phương chưa thực hiện giải ngân. Rất nhiều tỉnh tỷ lệ giải ngân trên dưới 1% như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá….Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…

“Đây là một quyết định ai cũng nói là nhân văn, nhân ái và cần thiết, người lao động thì khát khao chờ đợi. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận việc triển khai chính sách này tương đối chậm. Chậm so với nhu cầu của người lao động, chậm so với yêu cầu đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhất là ổn định tế thị trường lao động”, Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn nhận thẳng thắn điều này để thấy rằng chưa bao giờ vấn đề đẩy nhanh tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ, các chính sách tài khóa cần thiết như lúc này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực tế, lương bình quân tại khu vực dệt may khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, trong khi đó chi phí trả tiền thuê nhà của người lao động tại khu vực công nghiệp, đô thị khoảng 1 triệu đồng (tương đương 20% thu nhập). Như vậy người lao động gặp rất nhiều khó khăn, ngoài tiền thuê nhà thì họ phải chi tiền chăm sóc con cái, điện nước, sinh hoạt phí...

“Đời sống của người lao động khó khăn chồng chất khó khăn nên việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận của chúng ta. Cần phải điểm mặt, chỉ tên từng đơn vị làm tốt để biểu dương, đồng thời công khai, minh bạch, tất cả những đơn vị còn đang triển khai chậm để phê bình, xử lý”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lý do việc hỗ trợ chậm là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ; người sử dụng lao động, chủ cơ sở cho thuê, cho trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; bản thân người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.

Trao đổi với PV VOV2, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Sau những chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân của các địa phương đã có chuyển biến rất nhanh từ khoảng hơn 5% lên khoảng gần 30%. Đây là một tín hiệu rất là tốt. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân chậm trong thời gian vừa qua là do nhận thức và sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các địa phương. Nếu địa phương vào cuộc quyết liệt với cả hệ thống chính trị, đặc biệt những địa phương nào mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm và tổ chức tốt, bố trí nhân lực đầy đủ thì tỷ lệ giải ngân sẽ rất cao, điển hình như Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi xây dựng gói 6.600 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu thủ tục đơn giản nhất có thể, trung ương còn hỗ trợ ngân sách cho các tỉnh thành.

"Nhiều địa phương băn khoăn rủi ro. Băn khoăn là cần thiết, chắc chắn là cần thiết, nhưng không phải vì băn khoăn, vì chắc chắn mà trở thành sự chậm trễ, cố tình để người lao động không được hưởng trong thời điểm này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính tới ngày 11/8, có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; riêng 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng thụ hưởng, Cao Bằng chưa có hồ sơ đề nghị.

2.844.944 lao động tại 56.351 doanh nghiệp được đề nghị hỗ trợ, tổng kinh phí trên 1.883 tỷ đồng. Tuy nhiên mới có trên 1 triệu lao động đã nhận 728 tỉ đồng tiền hỗ trợ (đạt 11,23% so với dự kiến).

Dự kiến, sáng mai 12/8, Bộ trưởng LĐ-TB-XH sẽ chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc để đôn đốc các địa phương giải quyết rốt ráo việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo chỉ đạo của Thủ tướng.