Từng bị bạn bè giễu cợt, rồi bị từ chối khi đi xin việc vì những khiếm khuyết của cơ thể, chị Đinh Thị Quỳnh Nga, ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vẫn không đầu hàng số phận. Thậm chí, chị còn coi điều đó như động lực để gia tăng sức mạnh tinh thần, vượt qua chính mình trong những lúc khó khăn.

Tuổi thơ buồn và hành trình học tập, xin việc gian nan

Như bao đứa trẻ, khi sinh ra chị Nga lành lặn và đáng yêu. Nhưng một sự cố nhỏ xảy ra khi chị được 6 tháng tuổi. “Tôi bị ngã, sau đó bên chân trái yếu dần và liệt. Bố mẹ đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi”, chị Nga kể.

Gia đình chị Nga đông anh chị em. Bố chị là thương binh, suy giảm sức lao động, rồi mất. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, dù chân yếu, đi lại khó khăn nhưng chị vẫn một mình nỗ lực một buổi tới lớp, một buổi phụ giúp mẹ bán hàng. Với một đứa trẻ, đó đã là thiệt thòi. Thế nhưng khi đến trường, chị Nga còn thường xuyên phải đối diện với sự chế giễu từ bạn bè. “Khi tôi lớn thêm chút nữa, thấy bạn bè diện quần áo đẹp, mình không mặc được thì cũng thấy buồn. Nhiều khi còn thấy tủi phận vì nghe những lời cay nghiệt. Như câu thơ mỉa mai: Long lanh như bát nước chè/Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân, bao năm qua chưa khi nào tôi quên. Có những lần, tôi đi đường, gặp đám đông phía trước tôi đã phải dừng lại cho họ đi qua rồi mới dám bước tiếp!”, chị Nga chia sẻ.

Đến khi sự chịu đựng đến giới hạn, chị Nga như “Con giun xéo lắm cũng quằn”. Thay vì tự ti, chị nghĩ mình phải làm gì đó để khiến mọi người thay đổi ánh nhìn vào khiếm khuyết của mình. Năm 1997, tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị thi đỗ và học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. “Những năm học Cao đẳng, mình cũng rơi nhiều nước mắt. Mình thi đỗ đàng hoàng, học lực tốt mà nhiều lần nhà trường gọi mình lên văn phòng, yêu cầu mời phụ huynh lên gặp nhà trường để trao đổi về sức khỏe của mình. Họ nghĩ chân mình bị khuyết tật thì sẽ không đảm bảo cho việc giảng dạy sau này. Những lần như vậy mình cũng chỉ biết khóc, song cũng may sau đó thầy cô và các bạn động viên, hỗ trợ nên mình đã vượt qua”, chị Nga nhớ lại.

Nhưng rồi niềm vui cũng “ngắn chẳng tày gang”. Năm 2001, tốt nghiệp ra trường, chị cầm hồ sơ đi xin việc nhiều nơi, đủ các vị trí, từ giáo viên cho đến công nhân nhưng không nơi nào nhận. “Họ nhìn vào bên chân khuyết tật của tôi và từ chối khéo. Có lần, tôi cãi cùn: cháu chỉ hơi khuyết tật một tí ở chân, cháu vẫn làm việc được như người bình thường. Mọi người làm như thế nào, cháu sẽ làm được như thế nhưng kết quả vẫn là những cái lắc đầu”, chị Nga kể.

Trái ngọt từ sự nỗ lực bền bỉ

Thất bại từ những lần đi xin việc khiến chị Nga một lần nữa thay đổi tư duy. “Để có thu nhập nuôi bản thân, tôi nghĩ phải tự tạo việc làm cho mình. Tôi quyết định quay về mở cửa hàng hoa cưới. Do học về nghệ thuật nên việc kinh doanh khá thuận lợi. Chỉ có điều, hàng ngày tôi đều phải thức khuya chuẩn bị phụ kiện, sáng dậy sớm đi chợ hoa lấy hàng nên tương đối vất vả”, chị Nga chia sẻ.

Cửa hàng hoa cưới cho thu nhập tốt. Tuy nhiên, chị Nga vẫn chưa từ bỏ mong ước được đứng trên bục giảng - công việc đúng với chuyên ngành được đào tạo. Năm 2007, chị mạnh dạn gõ cửa Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Sóc Sơn với một bức tâm thư. Trong đó, chị bày tỏ khao khát được vào dạy tại Trường Nuôi dưỡng & Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn (nay là Trường Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn) để chia sẻ và hỗ trợ các em nhỏ có cảnh ngộ như mình. “Tôi đến gặp thầy Trưởng phòng Giáo dục của huyện Sóc Sơn. Trò chuyện, thầy cho biết sắp có cuộc thi tuyển công chức, có vị trí tuyển dụng phù hợp với chuyên ngành tôi được đào tạo”, chị Nga kể.

Nhiều năm ra trường, kiến thức sư phạm bị mai một, chị Nga không dám kỳ vọng nhiều vào kỳ thi. Tuy nhiên, để có thể mãn nguyện với kết quả đạt được, dù đỗ hay trượt, chị đã nỗ lực hết mình, tìm mọi cách ôn luyện về chuyên môn. “Tôi nhờ chị gái và bạn bè đã ra trường đang làm nghề cho mình đến ngồi dưới dự tiết. Sau đó, tôi xin phép Hiệu trưởng trường đó cho dạy thử để cảm nhận và có kinh nghiệm thực tiễn”, chị Nga nhớ lại.

Nỗ lực của chị Nga được đền đáp. Với kết quả trúng tuyển đứng thứ 5 của kỳ thi, chị đã vỡ òa cảm xúc vì hạnh phúc, chính thức trở thành công chức, bắt đầu đứng trên bục giảng từ tháng 8/2007.

Năm 2009, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội thành lập Hội người khuyết tật, chị tiếp tục được tín nhiệm bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của tổ chức này. Ngoài ra, chị Nga còn đảm nhiệm vị trí Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hồng Kỳ.

Điểm tựa cho người người khuyết tật

Công tác tại Hội Người khuyết tật cùng với việc giảng dạy tại Trường Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn khiến chị Nga nhận thấy, phần lớn người khuyết tật đều khao khát được làm việc và còn khả năng lao động. Đồng thời, từ những gì đã nếm trải, chị thấu hiểu trở ngại mà người khuyết tật gặp phải khi xin việc làm.

Những mong hỗ trợ phần nào cho những người cùng cảnh ngộ, năm 2015, chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng với 6 ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gồm: “In-Photocoppy; Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ; May công nghiệp; Trồng nấm; Sản xuất than sinh học và dịch vụ Café- Giải khát. “Mình có trình độ, bằng cấp mà còn không xin được việc làm. Huống hồ các em chỉ học hết phổ thông, không chuyên môn, không nghề nghiệp thì xin việc thế nào?! Trăn trở về điều đó nên tôi mày mò, tìm tòi những công việc phù hợp với khả năng, trình độ của người khuyết tật để dạy và tạo việc làm cho các em”, chị Nga chia sẻ.

Tùy theo dạng tật, mỗi người khi tìm đến HTX Trái tim hồng đều được tư vấn, đào tạo miễn phí và bố trí việc làm phù hợp. Chị Trịnh Thị Đông, quê ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn là một trong số đó. “Tôi bị liệt hai chân, hai tay cũng yếu. Vô tình xem truyền hình và biết đến cơ sở của chị Nga, tôi liên hệ, rồi xuống. Tại đây tôi được chị Nga hỗ trợ về nơi ăn chốn ở và được học nghề miễn phí”, chị Đông cho biết.

Sau vài tháng học nghề, hiện chị Đông đã thành thạo ở vị trí công việc đan các sản phẩm bằng hạt gỗ hương như mành, rèm, lót ghế ô-tô…Thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 3 triệu đồng.

Từ một người sống trong mặc cảm là “gánh nặng” của gia đình, giờ đây chị Đông tự tin, yêu đời. “Ở quê chỉ có nghề nông. Chân tay yếu nên không làm được gì. Cả năm không ra khỏi nhà nên chán trường. Xuống đây, tôi có việc làm phù hợp sức khỏe và thu nhập ổn định, rồi có bạn bè là những người đồng tật nên đồng cảm thì cuộc sống vui hơn”, chị Đông bày tỏ.

Đặc biệt, từ khi gắn bó với công việc đan lát, chị Đông còn thấy sức khỏe của đôi tay cải thiện đáng kể “Có lẽ do tính chất của việc đan lát phù hợp với sức khỏe nên hai tay của tôi giờ thuần thục hơn trước nhiều. Trước tay tôi yếu lắm!”, chị Đông khoe.

Tương tự, cuộc sống của chị Đào Thị Nhật, ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng bắt đầu đổi thay từ khi chị vào làm tại HTX Trái Tim Hồng. Chị Nhật cho biết nhà ở gần Trường Giáo dục trẻ em khuyết tật huyện Sóc Sơn - nơi chị Nga giảng dạy. Hàng ngày, thấy chị Nga cùng cảnh ngộ nên làm quen và tìm đến HTX Trái tim hồng. “Tôi làm việc tại đây được 5 năm rồi. Công việc chính là đan đệm, ghế xe hơi bằng hạt gỗ. Lúc mới học nghề thì được hỗ trợ 1 triệu/tháng. Giờ thì cứ đều đều 3 triệu/tháng, thu nhập tùy theo sản phẩm mình làm ra. Nhờ có “điểm tựa” Trái tim hồng mà cuộc sống của tôi đã thay đổi hẳn”, chị Nhật chia sẻ.

Không chỉ chị Đông, chị Nhật mà 38 lao động đang làm việc tại Trái tim hồng đều có sự thay đổi rất lớn từ khi tìm đến và làm việc tại HTX Trái tim hồng. Ngoài điểm chung là những khiếm khuyết trên cơ thể, ai nấy đều có cùng cảm nhận khi làm việc với nữ giám đốc Đinh Thị Quỳnh Nga, đó là người giàu ý chí và nghị lực. Bởi ai đến đây cũng đều thấy mình như được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để vượt qua chính mình./.