Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện nghiên cứu về Nồng độ bụi PM2.5 hàng ngày tại hai địa điểm ở Hà Nội trong giai đoạn 8/2019-7/2020. Kết quả cho thấy nồng độ đỉnh trong tháng 10 và tháng 2, đạt mức 150-200 μg/m3.

(Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình năm là 25 μg/m3.)

Báo cáo một lần nữa chỉ ra người dân Hà Nội đang phải đối mặt với mức độ ô nhiễm gia tăng về bụi mịn PM2.5 cao vượt tiêu chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về chất lượng không khí.

"Ô nhiễm đặc biệt cao trong những tháng mùa đông và gia tăng bởi các hoạt động đốt rơm rạ hoặc đốt rác ngoài trời như đã được ghi nhận từ các bản đồ vệ tinh ở miền bắc Việt Nam và phía nam Trung Quốc" - bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo "Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động", ngày 23/2.

Phát hiện của báo cáo: 2/3 bụi mịn PM2.5 đến từ bên ngoài Hà Nội và được vận chuyển từ khu vực xung quanh Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, các tỉnh khác của Việt Nam và các nước khác, từ vận chuyển hàng hải quốc tế và các nguồn tự nhiên. Chỉ một phần ba lượng bụi mịn xuất phát từ các khu vực địa phận của Hà Nội. "Hà Nội không tự giải quyết vấn đề một mình mà phải kết hợp đồng bộ, liên vùng" - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Chuyên gia môi trường, Thạc sĩ Đào Nhật Đình cho rằng, nếu phân tích của nhóm tư vấn cho World Bank đúng thì năm 1998-1999 Hà Nội có mức ô nhiễm không khí chỉ bằng khoảng 20% so với ngày nay vì 80% nguồn khi đó chưa có.

Chuyên gia Nhật Đình viết trên trang facebook cá nhân: Công nghiệp và làng nghề thời đó gần bằng không. Công suất điện cả miền Bắc khi đó chỉ bằng 1/20 hiện nay; Giao thông chủ yếu xe đạp, xe máy và ít ô tô; Phân bón phần nhiều là phân bắc, chăn nuôi cũng nhỏ lẻ... "Trong thực tế, mức ô nhiễm bụi trong không khí năm 1998-1999 không khác gì hôm nay" - Chuyên gia Đào Nhật Đình viết.

Trả lời phóng viên VOV2, ông Đào Nhật Đình nói: "đánh giá nguồn phát thải amoni (phân bón, chăn nuôi) khoảng 20% là hơi vội, nhóm nên tham khảo các nguồn đánh giá khác".

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Chuyên gia cao cấp về môi trường của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình GAINS - một mô hình tương đối tin cậy mà châu Âu đang sử dụng để dựng lại chất lượng không khí từ những năm trước và dự báo chất lượng không khí. "Điều đó đảm bảo số liệu của chúng tôi đáng tin cậy" - bà Thu nói.

"Chúng tôi lấy mẫu bụi thực tế của Hà Nội trong hai năm 2019-2020 mang sang Phần Lan, sử dụng phòng LAB chuẩn Châu Âu để phân tích thành phần hóa học để biết lượng bụi đến từ ngành nào như công nghiệp, giao thông hay phụ phẩm nông nghiệp..." - bà Lệ Thu cho biết.

Thủ đô Hà Nội gặp áp lực đáng kể trong việc duy trì và nâng cao mức độ đáng sống, năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của Thành phố để phát triển kinh tế, văn hóa. Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách môi trường và hành động cụ thể như xóa bỏ bếp than tổ ong (10 Quận nội thành đã giảm 78,8% trong thời gian từ tháng 12/2020 đến hết tháng 12/2021); Hạn chế đốt rơm rạ tại Hà Nội (Tỷ lệ đốt bình quân vụ Đông Xuân năm 2022 toàn thành phố là 11,47%, giảm 67,9% so với năm 2017; Tỷ lệ trung bình đốt rơm rạ vụ Hè Thu năm 2022 là 11,98%, giảm 66,5% so với 2017); Giao thông xanh; Hỗ trợ các giải pháp phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt...

Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc đòi hỏi cách tiếp cận có sự phối hợp giữa các tỉnh lận cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. "Trong đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng tôi có báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường, kiến nghị với Chính phủ thành lập Uỷ ban Bảo vệ môi trường, trong đó phân công các tỉnh có trách nhiệm và cam kết đồng hành kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh làm sao để tiêu chuẩn khí thải không làm ảnh hưởng sang các tỉnh thành khác" - ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết.

Việt Nam đang thực hiện cam kết net zero bằng 0 vào năm 2050 vì vậy đây là thời gian để hành động. "Hà Nội phải quan tâm thích đáng đến môi rường. Sức khỏe và hiệu suất làm việc của người dân, mức độ đáng sống và sức hấp dẫn của thành phố có thể được cải thiện đáng kể để đáp ứng các cam kết toàn cầu" - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới xác định cho Hà Nội một số can thiệp chính như sau:

-Thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố

-Củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong thành phố.

-Xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỉ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỉ lệ làm phân hữu cơ.

-Giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng đáng kể trong kế hoạch quản lý không khí.

Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của ngài Thủ tướng tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá và sinh khối tại các làng nghề