Vẫn còn những dự án luật gây bức xúc dư luận

Sáng 26/3, Quốc hội thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Tại đây, các đại biểu đều khẳng định Quốc hội khóa XIV đổi mới mạnh mẽ, để lại nhiều dấu ấn đậm nét, tô thắm thêm truyền thống lịch sử 75 năm Quốc hội Việt Nam. Tuy nhiên, trong hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế. Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu của tỉnh Bến Tre cho rằng việc chuẩn bị hồ sơ các dự án luật vẫn còn chậm trễ, đề xuất chính sách chưa phù hợp, có dự án luật còn gây bức xúc cho dư luận. “Công tác thẩm tra, thẩm định luật vẫn còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách không phù hợp, có dấu hiệu của vận động hành lang không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật” - ông Nhưỡng khẳng định. Cũng theo ông Nhưỡng, tình trạng dễ dãi, dĩ hòa vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính vẫn còn xảy ra trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Đại diện cho cử tri của tỉnh An Giang, ông Nguyễn Mai Bộ cũng khẳng định, đa số luật được xây dựng và thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ XIV vẫn còn những luật chất lượng thấp được trình ra thảo luận, làm mất thời gian của Quốc hội.

Hệ lụy khi thiếu liêm chính trong xây dựng luật

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ khẳng định, pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo luật. Do đó nguyên tắc tối thiểu trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật là liêm chính. “Nếu thiếu sự liêm chính, đặc biệt trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều "khuyết tật” - ông Bộ cảnh báo.

Ba “khuyết tật” được ông Bộ đề cập là mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản pháp luật; văn bản luật thành công cụ hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành và xung đột với lợi ích nhân dân; vòng đời của các văn bản luật rất ngắn. “Dự luật sẽ trở thành công cụ của cơ quan soạn thảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình hoặc xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ ngành đó”, đại biểu Mai Bộ phân tích. Theo ông Bộ, khi “vòng đời” của văn bản luật ngắn sẽ khiến Quốc hội và Chính phủ tốn thêm thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.

Nữ đại biểu của Hà Nội – bà Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, nếu rà soát thật kỹ, lật đi, lật lại tất cả quy định, có thể thấy nếu không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện, rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách. “Tham nhũng chính sách là việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì nó tạo ra khung pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống” - bà Mai lo ngại.

Cần liêm chính trong xây dựng luật

Để pháp luật thực sự là công cụ điều chỉnh xã hội theo chiều hướng tốt đẹp, đại biểu của tỉnh An Giang – ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo luật có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cùng với đó, cơ quan thẩm tra và các đại biểu phải luôn nghĩ tới sự liêm chính trong thẩm tra, phát biểu góp ý vào mỗi dự án luật. “Có liêm chính sẽ không quy định lợi ích thô thiển của các bộ ngành khác, đặc biệt là lợi ích của bộ ngành soạn thảo, xây dựng dự án luật", ông Bộ nhấn mạnh.

Để đảm bảo sự liêm chính trong xây dựng luật, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tham nhũng chính sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị nâng cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và nâng cao hoạt động thẩm tra.