Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X đã cho chúng ta nhìn lại chặng đường 5 năm với những dấu ấn đầy ấn tượng trên các lĩnh vực với những con người đang nỗ lực từng ngày để mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi người và xây dựng đất nước

Đó là “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô ở tỉnh Cà Mau, người chưa học hết lớp 5, nhưng bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi làm thuê ở các tiệm cơ khí, sự ham học hỏi, đặc biệt là nỗi trăn trở khi thấy người dân địa phương thiếu thốn phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, ông đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương. Chiếc máy cày phao nổi siêu nhẹ chuyên dùng cho vùng đất ngập nước do ông sáng chế được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường. Dù không được vợ ủng hộ, ông vẫn không từ bỏ niềm đam mê và đành chấp nhận cảnh sống cô đơn vì đã trót yêu nghề cơ khí lấm lem dầu mỡ.

Cũng với trăn trở tại sao trên đồng ruộng màu mỡ, phì nhiêu mà người nông dân quê mình vẫn nghèo, trong suốt hơn 40 năm qua kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua đã đặt dấu chân mình trên biết bao cánh đồng để tìm ra những ưu việt của cây lúa dòng ST (Sóc Trăng) quê hương ông, rồi nghiên cứu ra những giống gạo mới ST 25 vừa thơm ngon lại vừa thích ứng được với “biến đổi khí hậu” và được đánh giá là loại gạo ngon nhất, nhì thế giới.

Mong ước mang lại sự đổi thay, cô giáo Hà Ánh Phượng - dân tộc Mường ở, tỉnh Phú Thọ đã từ bỏ công việc đầy hấp dẫn ở thành phố để trở về quê hương, một huyện miền núi, dạy học môn tiếng Anh. Luôn tâm niệm câu nói của Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi”, cô Phượng coi nhiệm vụ của mình là gieo động lực để các em nhỏ thực hiện ước mơ, sống một cuộc đời ý nghĩa. Mới đây, cô Phượng đã được Tổ chức giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh vào “top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu”. Đây là những ghi nhận của Tổ chức này với những đóng góp của cô khi đã tạo nên những lớp học xuyên biên giới, mang lại lợi ích học tập cho học sinh nghèo tại 4 châu lục.

Đó là câu chuyện về những ngày ăn ngủ trong rừng, chỉ với cơm nắm chấm muối trắng ớt xanh, cả tuần liền không tắm gội, chuột cắn toét cả chân của đại tá Mai Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, nơi luôn là điểm nóng về ma túy, anh đã đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy, thậm chí cả sự hi sinh của đồng đội. Nhưng tất cả đã tôi luyện cho anh một bản lĩnh thép của người chiến sĩ đấu tranh với “cái chết trắng”, kiên quyết không để tội phạm lộng hành, giữ bình yên cho mỗi nóc nhà, bản làng nơi biên giới.

Trong số các gương mặt được tôn vinh trong Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X còn có những tấm gương không ngại hy sinh để xả thân cứu giúp đồng bào trong đợt bão lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua. Chỉ với một chiếc xuồng mỏng manh, ông Võ Văn Bình (ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) và cháu ngoại suốt 7 ngày liền đã không ngại ngần dầm mưa lạnh, băng mình qua lũ dữ cứu được gần 100 người dân. Mặc dù nhà cửa bị lũ cuốn trôi hết mọi tài sản nhưng với ông, tính mạng của người dân là trên hết. Con đò – tài sản cuối cùng của ông cũng bị chìm và hư hỏng trong lũ nhưng ông không nhận bất cứ đồng tiền cảm ơn nào của những người mà ông đã cứu sống.

Năm 2020, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục viết nên kỳ tích khi thực hiện thành công ca đại phẫu tách rời cặp song sinh dính liền phần bụng Trúc Nhi và Diệu Nhi. Hai bé đã được “khai sinh thêm một lần nữa” trong hình hài nguyên vẹn bằng sự dũng cảm và quyết tâm của các thầy thuốc vượt qua thử thách trong nghề nghiệp và ghi dấu ấn y tế Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.

Trong đại dịch Covid-19, nước ta dù với nguồn lực hạn chế vẫn được cộng đồng quốc tế ca ngợi là 1 hình mẫu về phòng chống dịch hiệu quả với số ca mắc và tử vong thấp trên toàn cầu. Đóng góp vào thành quả đó phải kể đến sự hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trở thành một trong những cơ sỏ y tế tuyến đầu chống COVID-19. Ngay trong giai đoạn đầu của dịch, 300 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đã tạm xa những người thân yêu để ở lại bệnh viện, hối hả khẩn trương căng thẳng từng giây phút, cố gắng cứu chữa bệnh nhân và không để dịch bệnh lây lan.

Cũng với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, rất nhiều doanh nhân với mong muốn người Việt Nam được dùng những sản phẩm có chất lượng tốt, hướng tới xuất khẩu làm giàu cho đất nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình. Ngọn lửa thi đua yêu nước cũng được thắp sáng trong hành trình của rất nhiều người Việt trên nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin, nghiên cứu y sinh, trí tuệ, nhân tạo, văn hóa … Chính tinh thần đó đã giúp Việt Nam ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực góp phần khẳng định sự hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới.