Ngày 28/3, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo – thành quả và thách thức”.

Tham dự hội thảo ngoài đại diện Cục Nhà giáo, Ban quản lý chương trình ETEP (Bộ GD-ĐT), đại diện lãnh đạo Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh còn có sự tham gia của hơn 100 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai.

Tại hội thảo, ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lý chương trình ETEP (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong những năm vừa qua, các trường ĐHSP cùng với các Sở GD-ĐT triển khai các hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán cũng như đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý khác trên cả nước.

Cụ thể, tính đến 31/12/2021, 8 trường ĐHSP chủ chốt đã triển khai bồi dưỡng 6 module bắt buộc hơn 31.300 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán. Từ năm 2022, các Sở GD-ĐT sẽ triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các module còn lại.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT, Ban quản lý chương trình ETEP chỉ đạo, hướng dẫn thành công việc tổ chức bồi dưỡng trực tiếp sang bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo.

“Dù bồi dưỡng trực tiếp hay qua lớp học ảo đều có sự tham gia rất trách nhiệm của các giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán. Phương thức bồi dưỡng không chỉ nhấn mạnh đến mặt nhận thức, năng lực thực hành mà còn trang bị cho học viên năng lực hướng dẫn để họ triển khai các hoạt động bồi dưỡng tại địa phương”, TS Trần Đức Thuận (Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh) đánh giá.

Trao đổi với hơn 100 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai, TS Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) đánh giá cao hiệu quả của Chương trình ETEP trong việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, Bộ GD-ĐT đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thông văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bồi dưỡng giáo viên, trong đó dự kiến trong năm 2022, Bộ sẽ sửa đổi thông tư 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông theo định hướng loại bỏ các quy định về chứng chỉ.

“Những năm qua việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên là vấn đề phức tạp, gây nhiều tranh cãi trong đội ngũ giáo viên. Thông thường sau mỗi đợt bồi mỗi thầy cô sẽ được cấp một tờ chứng chỉ. Nhiều giáo viên cho biết, trong cuộc đời 30 năm công tác họ có đến 30 tờ chứng chỉ. Điều này có cần thiết không? Dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh những quy định này khi sửa thông tư 19 và sẽ giao quyền cho địa phương trong việc công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên. Việc công nhận theo hình thức nào là toàn quyền của địa phương”, Ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, TS. Phạm Tuấn Anh cho biết, theo các quy định của dự thảo đang được công bố lấy ý kiến công khai trên mạng, mỗi cấp học chỉ có một chứng chỉ nghề nghiệp và mỗi giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng tương đương với cấp học mình đang giảng dạy.

“Trước đây mỗi cấp học giáo viên phải có 3 chứng chỉ bồi dưỡng thì dự kiến tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tích hợp lại mỗi cấp học chỉ còn 1 chương trình bồi dưỡng và 1 chứng chỉ. Cả đời thầy cô tham gia dạy học ở mỗi cấp học chỉ cần 1 chứng chỉ đó”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Để tránh sự chồng chéo các nội dung bồi dưỡng, TS. Phạm Tuấn Anh khẳng định, các chương trình bồi dưỡng thường xuyên sẽ được đồng bộ với chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại các module có nội dung cũ, lạc hậu và bổ sung những vấn đề mới.