Sau khi thực hiện Kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) đợt đầu vào cuối tháng 2 năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang tiếp tục công tác chuẩn bị cho các đợt thi tiếp theo đúng như kế hoạch. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của thí sinh và phụ huynh. Để hiểu hơn về các điều kiện đăng ký thi và dự thi, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH QGHN.

Phóng viên: Xin Giáo sư cho biết thông tin chung về kỳ Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Năm 2022, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã công bố lịch 12 đợt thi từ tháng 2 đến tháng 7. Chúng tôi cân nhắc nhu cầu của thí sinh mà có kế hoạch thi tháng 8 hay không. Số lượt thi khoảng 75.000 cho 12 đợt thi cũng là một có số lớn đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, nguồn lực, áp lực khá lớn. Đến thời điểm hiện tại, HSA của ĐHQGHN là kỳ thi duy nhất tại Việt Nam phục vụ tuyển sinh tổ chức thi trên máy tính; thí sinh được chủ động chọn ca thi, thời gian thi, địa điểm thi… Nói nghe đơn giản nhưng đó là một bước tiến trong công tác tổ chức thi và áp dụng khoa học khảo thí đo lường chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối tượng đánh giá phổ thông diện rộng. Điều đó đòi hỏi thay đổi trong tư duy của đơn vị tổ chức thi và thí sinh. Cách thức tổ chức thi và người dự thi đều khác với lối mòn truyền thống từ đăng ký dự thi, chuẩn bị cho kỳ thi, cách làm bài thi và cả cách xét tuyển từ kết quả thi HSA.

Phóng viên: Ông có nói đến sự thay đổi đối với đơn vị tổ chức thi và thí sinh. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Trước hết, việc đăng ký hồ sơ thí sinh giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Thí sinh cũng không còn phải mỏi mòn chờ giấy báo thi, chờ biết kết quả thi, hoàn thành các giấy tờ đăng ký mà thực hiện trực tuyến. Việc xác định nhân thân cũng sẽ tiến tới ứng dụng công nghệ nhận diện. Nếu như trước đây chúng ta nhận hồ sơ đăng ký mới xếp phòng thi, thuê địa điểm thi thì bây giờ chúng tôi phải sẵn sàng việc đó trước khi thí sinh đăng ký dự thi… Công tác chuẩn bị, tổ chức thi, ca thi, giờ thi không trùng lặp trong ngày thi. Đây cũng là áp lực lớn cho đơn vị tổ chức.

Phóng viên: Có ý kiến của phụ huynh, học sinh cho rằng đăng ký thi trực tuyến gây khó khăn hơn đăng ký trực tiếp. Có thí sinh sử dụng 5-6 máy tính, điện thoại mà không đăng ký được ca thi thời gian qua do nghẽn mạng?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Nếu như cho rằng đăng ký thi trực tuyến khó khăn hơn làm trực tiếp là ý kiến rất chủ quan lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang thực hiện giãn cách tối đa vì dịch COVID-19 thì việc đăng ký trực tuyến càng cần thiết hơn bao giờ hết. Vừa qua có phụ huynh để đăng ký thi cho con nghĩ đến Trung tâm sẽ “nhanh hơn” nhưng vẫn phải ra về hoặc xuống phòng máy tính công cộng đăng ký dự thi. Kết quả không phải do mạng nghẽn như mọi người nghĩ mà do số lượng thí sinh có nguyện vọng đăng ký thi lớn trong khi số chỗ (máy tính) của mỗi đợt thi hạn chế. Thí sinh và phụ huynh đều muốn thi nhiều lần để hi vọng có điểm cao nhất nhưng không hiểu rằng bài thi Đánh giá năng lực thi nhiều lần không cải thiện điểm thi.

Một vài người nghĩ đơn giản là dùng 5-6 máy tính sẽ đăng ký nhanh hơn thì càng sai lầm. Chúng ta đang làm việc trong môi trường số chứ không phải ganh đua cơ bắp và số đông, do đó thí sinh có 1 tài khoản đăng ký dự thi nhưng truy cập qua nhiều thiết bị vô hình dung làm chậm quá trình đăng ký của chính tài khoản đó và ảnh hưởng đến đường truyền chung cả hệ thống. Đồng thời, khi đăng nhập qua nhiều thiết bị cùng đăng ký 1 thời điểm làm xáo trộn thông tin ca thi của tài khoản đó bởi vì 1 tài khoản chỉ đăng ký được 1 ca thi cùng lúc. Thứ hai, thí sinh đăng ký ca thi thứ hai sẽ cần thời gian để máy tính đọc thông tin lâu hơn thí sinh thứ nhất. Do đó, bạn đăng ký nhiều ca thi phải đợi lâu hơn bạn đăng ký 1 ca thi.

Về đường truyền mạng, chúng tôi mới khai thác sử dụng công suất 30-35% hạ tầng công nghệ nên đảm bảo đường truyền ổn định. Thí sinh chưa đăng ký được ca thi do quy mô của đợt thi chưa thể tổ chức lớn trong hoàn cảnh hiện tại. Ta cứ hình dung một phòng họp có 50 ghế nhưng có 250 người muốn vào ngồi dự thì có 10 cánh cửa hay 100 cánh cửa cũng không giải quyết được vấn đề. Giải pháp hiện nay đã và đang thực hiện là tổ chức nhiều đợt thi và thí sinh hãy dự lần lượt các đợt thi tiếp theo.

Phóng viên: Ông có thể thông tin về tình hình đăng ký các đợt thi vừa qua ra sao?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã mở cổng đăng ký cho 5 đợt thi đầu tiên (đợt 201 - 205), quy mô gần 20.000 thí sinh. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở đăng ký cho 7 đợt còn lại với quy mô khoảng 50.000 thí sinh. Do đó, số lượt thi còn khá nhiều đáp ứng đủ nguyện vọng thí sinh. Ngoại trừ đợt thi 205 nhu cầu thí sinh đăng ký khoảng 27.000 thí sinh trong khi số chỗ thi là hơn 8.000 nên không thể đáp ứng hết nhu cầu, các đợt thi 201-204 thí sinh đăng ký nhanh và không có vấn đề gì phát sinh. Có lẽ do đợt thi 205 diễn ra cuối tháng 4 (thi ngày 23-24/04/2022) nên nhiều thí sinh đã thi xong học kỳ 2 và muốn thử sức lần đầu với HSA.

Phóng viên: Được biết Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã tổ chức thi đợt đầu tiên? Ông có thể cho biết kết quả thi đợt đầu ra sao được không?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng tôi đã tổ chức đợt thi HSA đầu tiên (đợt 201) trong hai ngày 26-27/02/2022 tại Thái Nguyên và Hà Nội. Số thí sinh dự thi là 1.142/1.301, đạt 87%. Các thí sinh vắng mặt đã thông báo trước với Trung tâm do nhiễm COVID-19 trước ngày thi. Về điểm thi thì chúng tôi sẽ công bố phổ điểm sau khi kết thúc kỳ thi năm 2022 để tránh tâm lý hoang mang các bạn thí sinh dù chưa dự thi hay đã hoàn thành bài thi. Nhìn chung, phổ điểm đợt 1 không khác biệt nhiều so với phổ điểm thi năm 2021 cho thấy tính ổn định, chuẩn hóa của bài thi HSA.

Phóng viên: Với việc tổ chức thi nhiều đợt có ảnh hưởng gì đến xét tuyển của thí sinh hay không?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng ta đôi khi vẫn chưa nghĩ một cách đầy đủ về việc thi tách khỏi tuyển. Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN chỉ tổ chức thi HSA và câp giấy chứng nhận kết quả thi. Việc xét tuyển phụ thuộc vào chính sách tuyển sinh của các trường đại học: thời gian nhận hồ sơ, mức điểm sàn, tiêu chí phụ… Tuy nhiên, có một điểm khá độc đáo trong phiếu báo điểm thi HSA bắt đầu triển khai từ năm 2022 là Phiếu báo điểm của thí sinh ngoài điểm bài thi HSA có thêm trường thông tin “Thứ hạng điểm thi”. Thứ hạng điểm thi của thí sinh phản ánh phần trăm thí sinh có điểm bằng hoặc thấp hơn điểm của thí sinh cùng đợt thi đó. Do đó đây là tham số so sánh tương đối trong cùng đợt thi và phụ thuộc vào số lượng thí sinh dự thi. Đó là thông tin hữu ích cho cán bộ tuyển sinh xét tuyển chọn lựa các thí sinh chất lượng bên cạnh việc căn cứ vào điểm thi và phổ điểm như trước đây.

Phóng viên: Ông có nhắn nhủ gì cho các thí sinh đăng ký dự thi HSA?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng tôi biết thí đang rất áp lực với học online năm qua và các kỳ thi đang cận kề. Tuy nhiên các bạn muốn dự thi HSA hãy dành thời gian đọc và tìm hiểu về kỳ thi tại trang chủ chính thức http://khaothi.vnu.edu.vn/ chứ không nên lan mang trên các diễn đàn. Việc tìm hiểu về kỳ thi HSA sẽ giúp các hiểu và bạn yên tâm hơn về kỳ thi, đợt thi để có kế hoạch ôn tập, đăng ký thi phù hợp. Quan trọng hơn nữa, bạn phải tìm hiểu trường đại học bạn dự kiến xét tuyển có dùng kết quả thi HSA hay không rồi mới quyết định đăng ký dự thi.

Phóng viên : Vâng xin cảm ơn Giáo sư!

Một vài hình ảnh kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia Hà Nội