Muốn vượt các nước khác nhưng lại đòi học ít hơn thì Tôn Ngộ Không cũng không làm được!

Ngày 14/11, tại Diễn đàn giáo dục Vietnam Educamp năm 2020, GS.TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), thành viên tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết, trong suốt quá trình tham gia xây dựng chương trình, ông luôn có cảm giác lo sợ. Sợ những kỳ vọng, tâm huyết, những điều mình làm không phù hợp với thực tiễn. Và thực tế đến nay, có những lo sợ đã xảy ra và cũng có những niềm tin thành hiện thực.

Tác giả biên soạn chương trình môn Lịch sử cũng thừa nhận, tất cả 18 thành viên trong ban phát triển chương trình do GS. Nguyễn Minh Thuyết đứng đầu đều là những người làm chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau song không có ai chuyên nghiệp trong xây dựng chương trình.

Điều này theo GS.TS. Phạm Hồng Tung khác với các nước trên thế giới khi công việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông, chương trình đại học, sau đại học... đều có một đội ngũ chuyên nghiệp thực hiện.

Vì không chuyên nghiệp trong xây dựng chương trình nên buộc các tác giả phải nghiên cứu, tham khảo chương trình nước ngoài thậm chí phải kết nối với học trò ở nhiêu nơi để hiểu được chương trình hiện nay như thế nào?

GS.TS Phạm Hồng Tung cũng cho biết, khi thiết kế yêu cầu cần đạt, chuẩn đầu ra chương trình mỗi môn học, nhóm biên soạn chịu áp lực rất lớn phải giảm tải kiến thức. Có những thầy cô môn Vật Lý, Toán… rơi nước mắt vì nhiều kiến thức đã “vạc” đến tận xương không thể “vạc” thêm được nữa.

“Mình muốn đi nhanh, đi giỏi, đi bền vững hơn người ta mà mình lại muốn học ít hơn thì đến Tôn Ngộ Không cũng không làm được” - GS.TS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.

Chương trình mới sao lại do những con người cũ làm?

Tranh luận tại Diễn đàn Giáo dục Vietnam Educamp 2020, chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất thẳng thắn cho rằng, chúng ta có sai lầm khi để những nhà thuần túy chuyên môn làm công việc xây dựng chương trình.

TS. Lê Thống Nhất đã đặt câu hỏi, vì sao 20 năm qua nước ta lại không xuất hiện nhiều người viết sách giáo khoa (SGK) giỏi nữa? Mà quanh đi quẩn lại vẫn là những người cũ viết sách cách đây 20 năm. “Tôi không thể tin được chương trình mới nhưng lại do những con người cũ làm. Nhiều người giỏi muốn viết nhưng không được các nhà tổ chức viết SGK mời ”-TS. Lê Thống Nhất nhấn mạnh.

Liên quan đến chương trình, SGK mới, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, nhà trường không quan tâm quá nhiều đến nội dung mà chỉ quan tâm đến khung chương trình. Trên cơ sở đó nhà trường sẽ xây dựng chương trình học riêng phù hợp với mục tiêu của nhà trường và phù hợp với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra.

“Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm không gặp khó khăn khi triển khai chương trình, SGK mới vì nhà trường đã đón đầu sự đổi mới. Trong đó, chất lượng đội ngũ giáo viên quyết định sự thành bại của đổi mới” - Bà Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.

Đồng tình với những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiền, TS. Thạch Thị Lan Anh, tổ trưởng tổ tiếng Việt, trường Tiểu học, THCS-THPT Thực nghiệm cho rằng, chương trình-SGK mới đã tạo ra hành lang để giáo viên chủ động phát triển chương trình và sử dụng chương trình một cách phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất cho rằng, có mấy trường làm được như trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hay trường Thực nghiệm? Có bao nhiêu trường công có thể xây dựng được chương trình học riêng? “Đội ngũ giáo viên hiện nay rất yếu. Yếu từ nguồn. Bao nhiêu năm nay những người giỏi nhất có học sư phạm đâu? Vậy, những người xây dựng chương trình có biết đội ngũ giáo viên hiện nay rất yếu?” – TS. Lê Thống Nhất nhấn mạnh.

“Tại sao tác giả viết SGK và NXB lại đi tập huấn giáo viên? Tất cả quá trình này phải độc lập. Tập huấn giáo viên phải là những người giỏi về phương pháp dạy học chứ không phải là tác giả viết sách.”

TS. Lê Thống Nhất

“Tôi tham gia viết SGK lớp 10 môn lịch sử. Bài tôi được phân công viết cũng là phần mà tôi viết chương trình. Tôi viết đến nay đã 20 lần và dạy thử 3 lần nhưng đến nay tôi tự thấy vẫn chưa hài lòng, chưa thành công như mong đợi của chính tôi.”

GS.TS. Phạm Hồng Tung

"Tất cả từ người xây dựng chương trình đến chủ biên, tác giả viết SGK dù có thể chưa phải là một tập hợp tốt nhất, đầy đủ nhất của những người làm giáo dục nhưng đều là những người tâm huyết, có chuyên môn và mong muốn có một sản phẩm SGK tốt nhất đến với học sinh."

PGS.TS. Lê Anh Vinh