Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Những giờ học đặc biệt!

“Chị nghe này, dễ thương không, tiếng Việt chưa sõi nhưng nghe mà mừng rơi nước mắt”, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung, hiện sinh sống tại Osaka, Nhật Bản hào hứng khoe clip bố mẹ học sinh gửi, khi con cất lên những câu tiếng Việt đầu tiên. Đang làm giáo viên tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh, 6 năm trước, cô Mỹ Dung theo gia đình sang Nhật định cư, một bước ngoặt thay đổi toàn bộ cuộc sống, công việc:

“Trước khi sang Nhật sinh sống, em đã gắn bó với nghề giáo viên tiểu học khoảng 10 năm. Khi mới sang, cuộc sống còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen, cho đến khi cuộc sống ổn định, em muốn làm lại nghề mà mình yêu thích, quyết tâm gây dựng lại và đã quay lại với dạy online khoảng gần 2 năm”, cô Mỹ Dung chia sẻ.

Dạy online và miễn phí buổi tối, sau một ngày dài bận mải mưu sinh sẽ là rất khó lí giải với nhiều người. Nhưng với cô giáo Mỹ Dung, đó chỉ đơn thuần là nỗi nhớ nghề, ước mong truyền đi tiếng Việt cho những đứa trẻ sinh ra, lớn lên hoặc theo bố mẹ di cư sang Nhật Bản. Và thật tình cờ, lớp học buổi tối lại đón thêm những học sinh đặc biệt. Giờ dạy buổi tối ở Nhật Bản nhưng sẽ là ban ngày ở nhiều quốc gia khác, thông tin lớp học miễn phí và trực tuyến được cô Dung đăng trên trang cá nhân không ngờ được bố mẹ người Việt ở những quốc gia khác như Đức, Hàn Quốc, Australia… đón nhận và xin cho con theo học.

Lớp tiền tiểu học do cô Dung dạy tổ chức trực tuyến, học sinh đông và lứa tuổi trải rộng, từ 4 đến 13 tuổi, khoảng cách đến 10 năm. Nhiều khó khăn nhưng đam mê, kiên trì đã giúp học sinh hoàn thành phần bảng chữ cái, ghép vần và bắt đầu giao tiếp cơ bản.

Khoảng gần một năm nay, lớp học của cô giáo Dung đã hòa vào hệ thống trường Việt ngữ Cây tre, ngôi trường tổ chức dạy miễn phí tiếng Việt cho con em kiều bào bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cô giáo Ngô Thị Dần, đồng nghiệp của cô Dung ở trường Cây tre cũng đã 8 năm sang Nhật Bản định cư. Khi ở Việt Nam cô Dần có 10 năm làm giáo viên tiểu học ở Hưng Yên.

“Mình trở lại với công việc dạy học đến nay được 3 năm, toàn bộ là dạy miễn phí. Khi mới sang Nhật cũng không muốn bỏ công việc đang làm đâu mà vì gia đình, vì mưu sinh phải tạm dừng. Rồi sau thấy nhu cầu của các bé có ba mẹ hoặc mẹ người Việt muốn học tiếng Việt thì mình quyết định dạy để các con không chỉ giao tiếp với gia đình ở quê nhà mà còn hiểu văn hóa truyền thống dân tộc”, cô Dần kể.

Lớp học của của Dần theo hình thức trực tiếp tại trường Cây tre. Khó khăn và cũng là nỗi buồn với cô giáo nằm ở sĩ số học sinh biến động, thay đổi không ngừng. Ngày khai giảng có đến gần 50 học sinh nhưng gần hết năm học chỉ còn một nửa do điều kiện nhà xa, bố mẹ bận mưu sinh không có thời gian đưa con đến lớp… Rồi mỗi lớp lại nhiều trình độ khác nhau, một cô giáo khó đảm đương được từng nhóm mà cần có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên.

Cố gắng sử dụng tiếng Việt trong các tình huống giảng dạy trong lớp học, cho mỗi giờ dạy theo cô Dần là phương thức để cô dạy học sinh nói năng, giao tiếp, không chỉ học chữ và ngữ pháp đơn thuần.

Ngoài học sinh ở trường Cây Tre, cô Dần còn có hai học sinh chính là hai con ở nhà, một 11 và một 5 tuổi. Những bài hát Tiếng Việt vẫn cất lên mỗi ngày trong ngôi nhà của cô giáo Dần.

Tiếng Việt vang lên dưới mỗi mái nhà ở những vùng khác nhau trên đất nước Nhật Bản như một lời khẳng định về sự lan tỏa của tiếng Việt, của tình yêu, sự gắn kết với quê hương của mỗi người Việt Nam xa quê. Và ở đó còn thấy sự nỗ lực không mỏi mệt của những giáo viên trên hành trình trao truyền con chữ, lời nói, câu hát cho thế hệ người Việt thứ 2,3

Các giáo viên cần giáo trình và các lớp nâng cao trình độ phù hợp thực tế các nước sở tại.

Trường Việt ngữ Cây Tre thành lập và đi vào hoạt động đã 3 năm, tổ chức dạy tiếng Việt miễn phí cho bà con kiều bào không chỉ ở Nhật Bản dựa trên hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Dù còn khó khăn để duy trì học sinh đi học đều đặn, không bỏ giữa chừng nhưng các giáo viên, ban lãnh đạo nhà trường chưa khi nào nản lòng trên hành trình “gieo con chữ”.

Bà Lê Thương, người sáng lập trường Việt ngữ Cây tre, đồng thời là Chủ tịch hội người Việt Nam vùng Kan sai, Nhật Bản cho biết trường Việt ngữ Cây Tre ra đời từ tâm huyết của những người con xa xứ với mong muốn góp phần gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên ở Nhật Bản.

Từ những lớp nhỏ lẻ ban đầu với vài giáo viên và rất ít học sinh theo hình thức trực tiếp và trực tiếp, luôn thiếu cơ sở vật chất cũng như giáo trình, thiếu môi trường giao tiếp để phát triển kĩ năng cho học sinh…nên ngay từ thời điểm thành lập trường, những người sáng lập như bà Thương đã đặt nhiệm vụ kép gồm dạy văn hóa, lịch sử song song dạy ngôn ngữ

“Có quá nhiều khó khăn vẫn tiếp tục đặt ra khi học sinh nhà xa, bố mẹ bận không đưa đón được con, nhiều cháu phải nghỉ giữa chừng. Nhưng dù thế nào, thầy cô vẫn quyết tâm duy trì lớp khi mỗi buổi học, thấy mắt học trò sáng lên khi viết được chữ ba, mẹ hay hát được những bài hát tiếng Việt”, bà Thương chia sẻ.

Không chỉ duy trì các lớp học, bà Thương còn cùng giáo viên phối hợp cùng các chuyên gia tiếng Việt ở cả Nhật Bản và Việt Nam tổ chức biên soạn sách giáo khoa, giáo trình phù hợp với thực tế dạy học cho trẻ em gốc Việt sinh sống tại Nhật Bản. Hai cuốn sách gồm “Em yêu tiếng Việt 1” và “Em yêu tiếng Việt 2” đã thành hình, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho thầy cô và học sinh sử dụng trong các giờ học.

Quá trình làm sách, bà Thương cũng nhận thấy thực tế nguồn sách giáo khoa trong nước dù phong phú nhưng chưa thực sự phù hợp dạy cho các em học sinh ở nước ngoài, không sử dụng tiếng Việt trong đời sống hằng ngày. Việc biên soạn sách theo bà Thương cần đơn giản hơn về ngôn ngữ, có nhiều hình ảnh hơn và đặc biệt các tình huống cần gần gũi hơn với đời sống trẻ em ở nước ngoài.

“Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài” trong những năm trở lại đây nỗ lực tổ chức các lớp học nâng cao, hỗ trợ các giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nhiều quốc gia, bà Thương cho rằng rất có giá trị. Tuy nhiên, việc trở về nước 2 tuần học tập trung ít nhiều cũng khó khăn với các giáo viên khi đa phần các thầy cô vẫn phải đi làm ở nước sở tại, dạy học chỉ vì đam mê và hoàn toàn miễn phí. Nếu tổ chức linh hoạt hơn như có các lớp trực tuyến song song các lớp trực tiếp sẽ hiệu quả và nhiều giáo viên tham gia hơn.

Nên xây dựng kho học liệu điện tử chung gồm các bài dạy, video... để giáo viên ở các quốc gia tham khảo sử dụng trong dạy học. Đây được xem như cơ sở kết nối mạng lưới các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài, tạo điều kiện hỗ trợ nhau về phương pháp, kinh nghiệm và cả tài liệu dạy học cho đối tượng học sinh là con em kiều bào ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới.