Với lượng thí sinh đăng ký tăng gấp đôi so với lần đầu tiên, Kỳ thi đánh giá năng lực lần thứ 2 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội triển khai 5 ca thi ở đồng loạt 5 điểm thi tại Hà Nội và Quy Nhơn.

Em ước mơ trở thành giáo viên đứng trên bục giảng

Từ sáng sớm, thí sinh và người nhà các thí sinh đã có mặt tại các điểm thi. Tại điểm thi Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, công tác đón tiếp, hướng dẫn được tổ chức chu đáo. Thí sinh được hướng dẫn tận tình đến các phòng thi bởi lực lượng thanh niên tình nguyện.

Cầm sẵn các loại giấy tờ cần thiết, Nguyễn Kiều Trang, học sinh lớp 12D trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc sẵn sàng bước qua khu vực kiểm soát để bước vào phòng thi. Trang đăng kí dự thi ba môn gồm Văn, Toán và Vật Lý nhằm mục tiêu đỗ vào ngành Sư phạm Toán hoặc Sư phạm Vật lý.

"Em đam mê và mong muốn trở thành giáo viên và vì thế em đăng kí tham dự kì thi lần này. Ngoài ra, em còn đăng kí vào trường bằng kết quả thi THPT quốc gia. Tất cả nguyện vọng em đều đặt vào Đại học Sư phạm Hà Nội", Trang chia sẻ.

Từ kinh nghiệm làm thử đề thi năm ngoái cũng như đề thi minh họa, Trang cho rằng đề thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội khó hơn khá nhiều.

Đang học năm thứ hai ngành Sư phạm Hóa học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng Nguyễn Huy Việt, sinh năm 2004 có mặt trong đợt thi này với mục tiêu trở thành sinh viên ngành Hóa học chất lượng cao.

"Kì thi này tạo thêm cơ hội cho thí sinh vào được đúng ngành học yêu thích. Năm ngoái nhà trường đã tổ chức nhưng vì còn quá mới nên em chờ đến năm nay mới đăng kí dự tuyển. Vừa học đại học vừa ôn thi cũng khá mệt nhưng theo em nghĩ để thành công thì chắc chắn phải đổ mồ hôi và công sức", Việt chia sẻ.

Anh Đinh Văn Sỹ đưa con trai từ Xuân Trường, Nam Định lên Hà Nội từ ngày hôm trước kì thi. Dưới sự hỗ trợ của các thanh niên tình nguyện, hai bố con đã tìm được nhà trọ ngay sát khu vực thi. Không hiểu quá nhiều, quá sâu về các phương thức tuyển sinh của các trường đại học và cũng là lần đầu tiên có con chuẩn bị bước vào đại học, anh Sỹ khá lo lắng. Tuy nhiên, cung cách tổ chức cũng như tiếp đón khiến người bố từ Nam Định yên tâm phần nào.

"Hôm qua đến đây cho con khảo sát khu vực thi và cũng để biết đường đi lối lại cho ngày thi hôm nay, hai bố con gặp được sự ấm áp, nhiệt tình từ nhà trường trong việc hướng dẫn cũng như hỗ trợ nên mọi việc thuận lợi. Rất mong mọi việc tốt đẹp vì cháu quyết tâm thi vào ngành Ngoại ngữ của nhà trường".

5 ca thi diễn ra bắt đầu từ 7h sáng đến 17h30 chiều gồm: Toán, Ngữ Văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Tiếng Anh, Địa lí. Trong đó, riêng Tiếng Anh sẽ có trong 2 ca thi sáng và chiều nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh bị trùng lặp ca thi.

Lần thứ 2 tổ chức thi đánh giá năng lực, nhà trường đã có kinh nghiệm hơn để kì thi đảm bảo chất lượng

Với bề dày trong công tác tổ chức các kì thi lớn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong Kỳ thi đánh giá năng lực lần thứ 2 đã tổ chức bài bản, chu đáo.

Đặc biệt, nhà trường gói gọn toàn bộ kì thi trong 1 ngày nhằm giảm tải áp lực di chuyển, ăn ở với thí sinh và người nhà ở xa.

Kết quả dự kiến sẽ thông báo tới thí sinh vào đầu tháng 6.

"Các trường đại học sư phạm trên cả nước đã dùng kết quả này để xét tuyển và chúng tôi vì thế cố gắng làm tốt để các nhà trường có thể tuyển chọn được những sinh viên có tiềm năng đào tạo thành giáo viên trong tương lai", GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ngân hàng đề thi và chuẩn hóa đề năm nay cũng đã đầy đủ hơn, bao trùm hơn nhằm phân hóa tốt nhất thí sinh đủ năng lực theo yêu cầu đào tạo ngành sư phạm.

Các quy định trong tổ chức thi được làm đúng theo quy trình của Bộ Giáo dục và đào tạo.

"Tôi đơn cử khâu ra đề, đòi hỏi sự bảo mật tuyệt đối với các vòng an ninh theo đúng quy định. Khâu vận chuyển đề, coi thi, chấm thi đều phải tuân thủ đúng quy định vì dù đây là cuộc thi do nhà trường tổ chức nhưng mang tính chất quốc gia nên phải theo đúng quy chuẩn và yêu cầu thực hiện nghiêm túc", GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Kết quả thi đánh giá năng lực chỉ có giá trị trong một năm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn sử dụng được trong năm tiếp theo cho trường hợp như thí sinh đã làm thủ tục nhập học nhưng xin bảo lưu.

Về số lượng thí sinh tăng gấp đôi trong lần thứ 2 tổ chức theo GS. TS Nguyễn Văn Minh là tổng hòa, cộng hưởng của nhiều yếu tố có thể kể đến như công tác truyền thông của nhà trường, báo chí đã được thực hiện sớm và hiệu quả. Tiếp đến ở sự tin tưởng của phụ huynh và thí sinh vào một kì thi chất lượng, an toàn, khách quan, minh bạch. Và chính việc các trường đại học sư phạm trên cả nước công nhận và sử dụng kết quả kì thi đã thêm một yếu tố quan trọng khiến kì thi này thu hút lượng thí sinh tăng nhanh.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng nhấn mạnh việc không nên tổ chức quá nhiều kì thi đánh giá năng lực ở quá nhiều trường tương đồng về ngành nghề đào tạo nhằm giảm tải áp lực thi cử cho thí sinh, phụ huynh đồng thời hạn chế lãng phí trong quá trình tổ chức thi.