Chọn ngành chọn nghề:

Đam mê phải là thứ mình có khả năng tạo ra giá trị

[VOV2] - Tuổi trẻ thường có những hoài bão của riêng mình. Tuy nhiên, trước những biến động không ngừng của xã hội thì câu hỏi “Theo đuổi đam mê hay chạy theo nhu cầu?” vẫn luôn được các bạn trẻ quan tâm.

Chọn ngành, chọn nghề là 1 hành trình khám phá bản thân mà thực sự trên hành trình đó không hề dễ dàng để tìm được câu trả lời. Nhiều người vẫn ví rằng, nếu như không được định hướng rõ ràng thì việc chọn nghề nghiệp cũng chẳng khác nào chúng ta đang đi trong một mê cung có quá nhiều lối rẽ mà chẳng biết đi về đâu.

Thu Thảo học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long, Hà Nội cảm thấy không dễ dàng khi sắp đến lúc em phải đưa ra một quyết định quan trọng trong cuộc đời, đó là chọn trường, chọn nghề. "Mọi người thường khuyên em là hãy chọn những gì là sở trường, mình thấy phù hợp. Nhưng em cũng chẳng rõ mình hợp với cái gì. Bố mẹ em cũng có định hướng nhưng cũng cảm thấy ngành nghề đó nó không thực sự trúng với ý mình lắm. Rồi cũng có người nói là chọn đại đi, đến khi vào học mình cũng sẽ thấy hợp hết. Đến giờ phút này em hoàn toàn chưa có định hướng nào cả. Thấy khá là hoang mang", Thảo chia sẻ.

Lựa chọn ngành nghề theo “hiệu ứng đám đông” hay theo theo định hướng của bố mẹ là xu hướng chung của nhiều bạn học sinh lớp 12. Chọn cho mình một ngành nghề, nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn không đúng nghĩa là phải chấp nhận bước trên một con đường không thực sự an toàn và vững chắc. Tuy nhiên, rõ ràng ở cái tuổi 17-18 không phải bạn trẻ nào cũng biết được mình muốn gì và hợp với cái gì.

Trong một Workshop của IBNA – Trang thông tin dành cho học sinh, sinh viên, anh Lê Tuấn Anh - Trưởng dự án hướng nghiệp tại Top CV và anh Nguyễn Hữu Ý, cử nhân Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – một diễn giả trong nhiều chương trình hướng tới sinh viên đã có những chia sẻ hữu ích trước câu hỏi “Theo đuổi đam mê hay chạy theo nhu cầu”.

Thực trạng hướng nghiệp dành cho học sinh cấp III hiện nay

Theo anh Tuấn Anh, thực trang hướng nghiệp hiện nay vừa có điểm tốt vừa xấu. Tốt vì nhờ có công nghệ có rất nhiều kênh liên quan đến hướng nghiệp để mọi người tiếp cận. Điểm không tốt ở chỗ vì có quá nhiều thông tin nên khó phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai. Nếu các bạn không vững sẽ bị rối trong quá trình ra quyết định.

Anh Hữu Ý cho rằng, sự quan tâm của các bạn đối với hướng nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ. Đến lớp 12 nhiều em mới quan tâm cuối năm nay mình sẽ thi trường nào, khối nào. Khi đó thường hướng theo ngành nào là hot hoặc trường nào mình thi có khả năng đỗ mà chưa quan tâm ngành nào phù hợp với chính mình. Việc hướng nghiệp trong nhà trường gần đây được quan tâm hơn nhưng phương pháp hướng nghiệp chưa hiệu quả, chưa có góc nhìn sâu mà chủ yếu là các trường đại học, cao đẳng chia sẻ về các ngành nghề của trường. Việc lựa chọn nghề của nhiều em còn cảm tính. "Nghe nói nghề maketing sáng tạo là chủ yếu, nhìn rất xịn xò nhưng không tìm hiểu bên trong có nhiều yếu tố khác”, anh Hữu Ý đưa ra 1 ví dụ.

Chọn nhầm nghề sẽ nghiêm trọng ra sao?

Theo anh Tuấn Anh “hiểu nhầm nghề” là vì các bạn chưa có đủ thông tin về nghề đó hoặc chỉ nghe một mặt, thường chỉ là mặt tốt của nghề đó. Ví dụ nhiều bạn thích làm tiktoker, streamer hoặc làm marketing vì nhìn những nghề đó rất hào nhoáng, chỉ cần ngồi nhà, quay video rồi được các nhãn hãng đưa sản phẩm review... Tuy nhiên lại không nhìn thấy những vất vả, những mặt chưa tốt. Vì vậy, khi lựa chọn nghề điều quan trọng nhất là phải nhìn ở cả 2 mặt.

Tuy nhiên, "việc các bạn chọn nhầm nghề khi còn trẻ là bình thường. Tỷ lệ chọn đúng không nhiều. Chọn nhầm nghề khi còn trẻ vẫn còn nhiều cơ hội để sửa sai”, anh Tuấn Anh khẳng định. Khi học cấp III hay mới vào đại học, các bạn nên tận dụng cơ hội để trải nghiệm các công việc hoặc tham gia các câu lạc bộ. Khi trải nghiệm mới biết đâu là cái đúng và quan trọng hơn đâu là cái sai để tránh cái sai đó.

Đam mê và sở thích nghề nghiệp có gì khác nhau?

Anh Tuấn Anh chia sẻ, sở thích là thứ mang tính thời điểm, nay thích cái nay, mai thích cái kia, chán có thể tìm cái mới để theo đuổi. Còn đam mê mang tính dài hạn hơn và khi bạn thực sự gặp khó khăn, đam mê sẽ giúp bạn vượt qua để theo đuổi. Bạn thích làm tiktoker hay streamer, nếu bố mẹ ngăn cấm bạn sẽ không làm nữa. Nhưng nếu thực sự đó là đam mê, dù bố mẹ ngăn cấm, bạn vẫn tìm ra con đường để theo đuổi đam mê.

Cùng chung quan điểm với anh Tuấn Anh, anh Hữu Ý còn mở rộng vấn đề: Theo đuổi đam mê liệu có thành công? Nhiều người cho rằng khi có đam mê sẽ theo đuổi đến cùng để thành công. Nhưng theo anh Hữu Ý, bây giờ thành công phải đi song hành, làm điều gì đó cho mình thành quả thì mình mới cảm thấy yêu nó vì nó mang lại giá trị thực tế cho mình, thì mới nuôi dưỡng được đam mê.

Còn nếu mình theo đuổi nó hoài mà vẫn thất bại thì nên đặt lại câu hỏi đó có thực sự là đam mê? Vì đam mê không phải là thứ mà mình thích và gắn bó mà đó phải là thứ mình có khả năng và tạo ra giá trị nữa. Một sở thích mà mình theo đuổi không có giá trị thì mình không nên đi. Đam mê là con đường mình yêu thích và tạo ra giá trị”, anh Hữu Ý nhấn mạnh.

Cùng nghe thêm những chia sẻ của anh Lê Tuấn Anh và anh Nguyễn Hữu Ý:

Đỗ Hà