Thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 10 năm qua, đã có 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 87% mục tiêu của Đề án. Trong đó, số lao động nông thôn đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đạt 5,59 triệu người. Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả, bên cạnh đào tạo gắn với thế mạnh của từng địa phương thì việc hợp tác với doanh nghiệp tìm đầu ra cho lao động là giải pháp mang tính đột phá để thu hút lao động học nghề.

Tại Thái Nguyên, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho lao động. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Trưởng phòng Lao động – Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, Từ năm 2013 đến nay Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thái Nguyên phối hợp với sở Tài chính kế hoạch, tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển lao động có hộ khẩu tỉnh Thái Nguyên đào tạo. Sau khi đào tạo ký hợp đồng cho người lao động làm việc tại đó và có mức lương ổn định, thì sẽ được hỗ trợ, khi được đào tạo doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. "Khi đào tạo chúng tôi kiểm tra hồ sơ sổ sách như một lớp quyết toán, có biên bản sở ngành, ban quản lý khu công nghiệp".

Hiện nay, nhiều cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cũng chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ. Từ đó, quá trình đào tạo nghề tại nhà trường song hành với sản xuất tại các nhà máy, công xưởng. Mô hình đào tạo nghề may tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Nam Thái Nguyên là một ví dụ. Ở đây, 100% học viên được tiếp nhận vào làm việc sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề 3 tháng.