Giữ vững chất lượng giáo dục dù ảnh hưởng dịch Covid-19

Hội nghị đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GDĐT, 63 điểm cầu sở GD&ĐT, hơn 700 điểm cầu phòng GD&ĐT và khoảng 2.000 điểm cầu trường THPT.

Đánh giá về năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT cho rằng trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19; nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021.

Bên cạnh đó, giáo dục mũi nhọn cũng đạt được kết quả tích cực, thể hiện qua kết quả học sinh tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 01 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba - giải chính thức của Hội thi và 02 dự án đoạt 03 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Nhiều công việc đã được thực hiện để chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS như bồi dưỡng giáo viên, 63 tỉnh thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25. Tại mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 01 đến 05 bộ sách trong đó tỷ lệ chọn 01 bộ/môn học khoảng 50%; 02 bộ/môn học khoảng 30%.

Trao đổi với các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6 nên các địa phương cần quán triệt sâu sắc đến các nhà trường về sự khác biệt của chương trình mới với chương trình năm 2006. Do chương trình xây dựng theo hướng mở nên các trường học phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT khi kiểm tra phải lưu ý kiểm tra kế hoạch từng môn học, từng tổ chuyên môn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng cho rằng, cần phải coi thời gian học trực tiếp là thời gian vàng để tận dụng hướng dẫn học sinh về phương pháp tự học, chuyển từ tư duy học sang tự học và tự học có hướng dẫn.

Cần chấm dứt văn mẫu, nâng cao năng lực tự học

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương những cố gắng, kết quả mà giáo dục trung học đạt được trong năm học vừa qua. Dù là năm học nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ bản đã đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra, trong đó, có một số kết quả đáng khích lệ, như thành tích học sinh dự thi Olympic quốc tế, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công.

Bộ trưởng nhận định, ngành Giáo dục đang đứng trước 2 thách thức lớn, đó là thách thức trước yêu cầu phát triển, đổi mới và thách thức trong bối cảnh dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi hệ thống để thích ứng với tình hình dịch bệnh tăng sức chống chịu, hạn chế tổn thương trước dịch sẽ là tất yếu và không thể lảng tránh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ứng phó và thích nghi với tình hình dịch bệnh; trong đó có ban hành chính sách, hướng dẫn, quy định để chuẩn bị và triển khai năm học mới.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý giáo dục trung học cần có sự triển khai phù hợp tinh thần của học thực thi thực. Làm sao việc kiểm tra đánh giá đúng thực chất. Việc dạy và học quan tâm tới tính trải nghiệm kể cả trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện dạy học trực tuyến. Điểm quan trọng đó là nâng cao tính tự học. “Đây là thời điểm cả thầy và trò cùng phải thay đổi, thầy cũng phải tự học để thay đổi và trò thì càng phải nâng cao năng lực tự học”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có lưu ý trong việc dạy và học các môn học, đặc biệt môn Ngữ văn cần phải chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu, bài mẫu. “Chúng ta đều thấy hết được sự tai hại của bài mẫu, văn mẫu, nó triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò. Có thể xem đó là sự phản giáo dục mà chúng ta cần phải khắc phục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các địa phương, từ khung kế hoạch của Bộ, các tỉnh/thành phố cần ban hành kế hoạch năm học mới phù hợp với tình hình đặc thù tại của địa phương. “Tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý, cho tới mỗi giáo viên. Cần linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, đảm bảo chất lượng đối với các yêu cầu cốt lõi. Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.