Dạy học trực tuyến ở bậc Mầm non là không phù hợp

[VOV2] - "Dạy học trực tuyến ở Mầm non là không phù hợp. Thay vào đó, nhà trường, giáo viên có thể hướng dẫn trực tuyến cho phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trẻ" - Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT khẳng định.

Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN) về chuẩn bị năm học mới 2021-2022 đối với bậc Mầm non, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, các cơ sở giáo dục Mầm non phải chuẩn bị sẵn sàng cả 2 kịch bản cho năm học mới.

Kịch bản thứ nhất, nếu tình hình dịch bệnh bớt phức tạp, các cơ sở Mầm non thực hiện huy động trẻ đến trường và triển khai các kế hoạch năm học như bình thường. Tuy nhiên, các trường cũng sẵn sàng các biện pháp để ứng phó nếu dịch lại diễn biến phức tạp, trẻ phải ở nhà tránh dịch.

Kịch bản thứ hai, trong tình huống trẻ phải ở nhà tránh dịch thì đối với bậc Mầm non, ông Nguyễn Bá Minh khẳng định sẽ không triển khai tổ chức dạy học trực tuyến mà thay vào đó sẽ có những kênh phù hợp để hỗ trợ cha mẹ trẻ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu ở nhà làm thế nào đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục Mầm non.

Ông Minh cho rằng, đối với trẻ Mầm non, nếu học trực tuyến thì phải có đầy đủ trang thiết bị mà không phải gia đình nào cũng có. Thứ hai, trẻ Mầm non không thể làm chủ và tự tương tác với thiết bị công nghệ mà bắt buộc phải có cha mẹ trẻ ở bên cạnh. Và thứ ba, sự tương tác giữa giáo viên với trẻ thường là tương tác trực tiếp. Có chăng, nếu tương tác trực tuyến thì giáo viên chỉ giữ vai trò hỗ trợ, giáo viên sẽ tương tác với trẻ ở trên màn hình nhưng phải có phụ huynh ở bên cạnh các cháu.

Do vậy, ông Nguyễn Bá Minh khẳng định, dạy học trực tuyến ở bậc học Mầm non là không phù hợp. Thay vào đó có thể hướng dẫn, hỗ trợ trực tuyến cho cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các cháu.

“Ngay từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã có 2 văn bản 1065 và 1268 hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các cháu trong mùa dịch và điều chỉnh kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục làm thế nào đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Đặc biệt đối với các cháu 5 tuổi, thời gian tới có thể dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nên thời gian trẻ được đến trường là thời gian vàng. Trong thời gian này, nhà trường phải lưu ý tận dụng khoảng thời gian vàng này để ưu tiên dạy những nội dung để chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1”, ông Nguyễn Bá Minh cho biết.

Liên quan tới những khó khăn của giáo viên và các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập, ông Nguyễn Bá Minh cho biết, trách nhiệm của các địa phương là phải rà soát thiệt hại của các cơ sở giáo dục Mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch.

Theo ông Minh, có 3 vấn đề mà các địa phương phải lưu tâm. Thứ nhất, nhiều giáo viên Mầm non ở các lớp độc lập tư thục không có việc làm do cơ sở bị dừng hoạt động, việc chi trả lương cho các giáo viên trong khoảng thời gian này là điều rất khó khăn cho các cơ sở.

Các cơ sở không thu được học phí nên không có tiền chi trả lương dẫn đến giáo viên ngoài công lập phải chuyển sang làm công việc khác để mưu sinh. Nếu sau này, dịch bệnh được đẩy lùi, các cháu trở lại đi học thì các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập sẽ rất khó tập hợp được đội ngũ giáo viên để nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu có chất lượng.

Thứ hai, các cơ sở Mầm non ngoài công lập phải chi trả tiền thuê mặt bằng. Theo ông Minh đây cũng là một khó khăn rất lớn cho nên các địa phương cần phải có biện pháp, có thể bằng ngân sách của địa phương hoặc đề đạt với Chính phủ thông qua Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH để tháo gỡ, hỗ trợ.

Thứ ba, vấn đề thuế. Trong thời gian tới khi quay trở lại hoạt động, vấn đề tài chính của các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập vẫn sẽ rất khó khăn nên Bộ GD-ĐT đang đề xuất Bộ Tài chính làm thế nào để miễn giảm thuế các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập ít nhất là hết năm 2021 để hỗ trợ các cơ sở có thể duy trì được hoạt động.

“Hiện nay giáo dục Mầm non ngoài công lập đảm nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 1/4 số trẻ Mầm non. Cho nên nếu hệ thống giáo dục Mầm non ngoài công lập thời gian tới nhiều cơ sở giải thể thì đây sẽ là tổn thất và là một khó khăn rất lớn trong vấn đề đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ”, ông Nguyễn Bá Minh lo lắng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Đề nghị mức học phí hợp lý khi dạy học trực tuyến

[VOV2] - Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục khi triển khai dạy học trực tuyến cần tính toán để có mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh.
image-article
Tag:

Dạy học trực tuyến không phải là “cây đũa thần” cho tất cả lứa tuổi học sinh

[VOV2] - “Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là điều quan trọng nhưng nó không phải là cây đũa thần để áp dụng cho mọi đối tượng học sinh và mang lại hiệu quả tuyệt đối” - Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.
image-article
Tag:

Giáo viên mầm non mùa dịch: cần đủ sống để bám nghề

[VOV2] - Thuộc lao động ngoài khối công lập, giáo viên mầm non các trường dân lập, tư thục hoặc nhóm trẻ được xếp vào nhóm gặp khó khăn nhất trước tác động của Covid-19. Muốn bám trụ được với nghề, trước hết phải đủ sống qua mùa dịch...
image-article
Tag: