Ngày 6/6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược quốc gia, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, người lao động.

Bộ trưởng cho biết về công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngày càng được các bậc cha mẹ, người học và xã hội quan tâm. Quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo được nâng lên, góp phần quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế

Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề.

Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, còn cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn em. Từ đó cho thấy, giáo dục nghề nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắng thừa nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều, quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, nhưng ngành nghề đào tạo con trùng nhau, đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường, dẫn đến học viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm.

Đồi mới giáo dục nghề nghiệp - Thay đổi nhận thức xã hội

Đi vào từng nội dung mà các đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình đào tạo nghề khác nhau...

Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học, ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông.

Đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu.

Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Thực tế, hiện nay, phần lớn học sinh, sinh viên vào trường nghề là do không có nhu cầu, không có khả năng học lên, do khó khăn muốn học nghề nhanh để kiếm việc, số có nhu cầu thực sự không nhiều.

Chính vì vậy, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp, điều cần nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.