Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, khi dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Quảng Nam gặp phải những vướng mắc trong triển khai SGK lớp 1. Toàn ngành GD&ĐT, trong đó có Ban giám đốc và 18 phòng GD&ĐT đã phải ngồi lại để bàn biện pháp tháo gỡ. Tỉnh đã khắc phục theo hướng động viên giáo viên bình tĩnh xử lý, ngữ liệu nào không phù hợp thì chủ động thay đổi. Do đó, ông Tân đề nghị, tới đây Bộ GD&ĐT phải sớm cung cấp SGK lớp 2 và lớp 6 để tập huấn cho giáo viên.

Tập huấn giáo viên trong thời gian quá ngắn là một trong những nguyên nhân khiến ngành GD&ĐT chậm trễ phát hiện những sai sót trong ngữ liệu SGK Tiếng Việt lớp 1. Đây là quan điểm của bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, “Bộ GD&ĐT giao cho NXB phối hợp với Sở GD&ĐT các địa phương tổ chức tập huấn SGK lớp 1 không quá 2 ngày, chưa đủ thời gian để giáo viên và báo cáo viên kết nối, chia sẻ làm rõ ngữ liệu trong SGK”.

Rút kinh nghiệm trong lần tập huấn giáo viên cho SGK lớp 2 và lớp 6 tới đây, bà Thanh đề nghị Bộ GD&ĐT lấy ý kiến sâu rộng hơn, ngoài ý kiến của các giáo sư đầu ngành chuyên môn, giáo sư trong hội đồng thẩm định, cần quan tâm đến ý kiến của các giáo viên - những người trực tiếp đứng lớp. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn, cũng là cách tuyên truyền nhận thức của giáo viên và xã hội về SGK. Khi đội ngũ giáo viên hiểu rõ, nhận định đúng và đồng thuận thì uy tín của ngành giáo dục được nâng lên, nhất là trước dư luận và báo chí.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, ngữ liệu trong SGK, nhất là SGK lớp 1 phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩa tường minh thì nội dung giáo dục sẽ ấn tượng hơn, hình thành những cảm xúc tích cực với các em học sinh. “Học sinh Tiểu học hiện nay rất thông minh, có điều kiện tiếp cận thông tin, nếu bài học không rõ ràng, dễ hiểu, các em sẽ hiểu bài học theo nhiều nghĩa khác nhau, dẫn đến những sai lệch trong nhận thức mà chúng ta không kiểm soát được”.

Tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc lấy ý kiến của các thầy cô giáo rất quan trọng và đã được thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến chưa được rộng rãi do thời gian ngắn, bởi tác động của dịch Covid-19. Bộ trưởng khẳng định, SGK lớp 2 và lớp 6 tới đây sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, không chỉ giáo viên mà còn các tầng lớp xã hội khác.

Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong quản lý sách giáo khoa, tài liệu tham khảo khi để xảy ra tình trạng giáo viên “ép” phụ huynh mua tài liệu tham khảo; Sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp. Bộ GD&ĐT cho biết đã có giải pháp khắc phục kịp thời.