Buổi chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề Giáo dục-Đào tạo của Quốc hội ngày 11/11, vấn đề đào tạo khối ngành Sức khỏe, học thêm-dạy thêm nhận được nhiều ý kiến chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội.

Đào tạo khối ngành Sức khỏe chất lượng không nằm ở trường đa ngành hay chuyên ngành

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (ĐBQH tỉnh Thái Bình) đặt vấn đề, hiện nay nhiều trường đại học đa ngành đang có xu hướng đào tạo khối ngành Sức khỏe và có sự chênh lệch rất lớn về điểm tuyển sinh đầu vào so với trường đào tạo chuyên ngành. Thậm chí, có những mã ngành chênh lệch tới 10 điểm. Trong khi điều kiện để mở mã ngành đào tạo khối ngành Sức khỏe theo Bộ Y tế là rất chặt chẽ. Quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào?

Trả lời băn khoăn, thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc mở mã ngành đào tạo Sức khỏe được tiến hành theo các quy định và trước xu thế tự chủ đại học thì việc việc mở mã ngành là quyền của các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, có 2 khối ngành là Sức khỏe và Sư phạm thì Bộ GD-ĐT vẫn thẩm định và quyết định.

“Việc mở chương trình đào tạo khối ngành Sức khỏe đã có những tiêu chuẩn, tiêu chí rất nghiêm ngặt và Bộ GD-ĐT vẫn đang tuân thủ theo điều đó. Vấn đề đại biểu nêu, Bộ GD-ĐT sẽ có rà soát, nếu có vấn đề nào chưa được chặt chẽ thì Bộ sẽ bổ sung”, ông Sơn cho biết.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung tiếp tục chất vấn, vấn đề đặt ra là sự chênh lệch điểm chuẩn đầu vào giữa các trường đa ngành và trường chuyên ngành đang rất lớn. Vậy Bộ GD-ĐT đã tổ chức thanh tra việc đảm bảo chất lượng đào tạo hay chưa?

Trao đổi lại với đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp tục khẳng định, khi quyết định cho cơ sở đào tạo nào mở khối ngành Sức khỏe, Bộ GD-ĐT đều lấy ý kiến của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT không tự quyết định.

Liên quan đến chất lượng đào tạo khối ngành Sức khỏe, ông Nguyễn Văn Thân (ĐBQH tỉnh Thái Bình) tiếp tục tranh luận về sự chênh lệch đầu vào, đầu ra giữa trường đa ngành và chuyên ngành. Vấn đề đại biểu Thân muốn thống nhất là có nên mở đào tạo ngành Y trong các trường đa ngành hay không? Hay chỉ cho các trường đào tạo chuyên ngành tham gia đào tạo?

Trước vấn đề được đại biểu Nguyễn Văn Thân tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi: Trường đa ngành nhưng vấn đề là trường nào? Có những trường đại học đa ngành quy mô lớn lại rất có lợi thế, thậm chí còn có ý nghĩa hỗ trợ cho lĩnh vực Y tế.

Vấn đề quan trọng ở đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là các trường đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện hay không? Đặc biệt là cơ sở thực hành. Bởi có trường đa ngành chưa chắc đã đủ điều kiện, song cũng có những chương trình đơn ngành không hẳn đã tốt.

“Vấn đề không nằm ở chỗ đa ngành hay đơn ngành. Xu hướng của thế giới những trường Y lớn có cả hệ thống bệnh viện. Thậm chí những trường lớn nhất đào tạo ngành Y phần nhiều nằm trong các trường đa ngành. Đây là một thông lệ thế giới chứ không chỉ riêng một quốc gia nào”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Đề nghị đưa dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện

Liên quan đến vấn đề dạy thêm-học thêm, Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) tán thành với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là trong khi tổ chức dạy học trực tuyến thì việc dạy thêm cần phải nghiêm cấm. Tuy nhiên, vấn đề dạy thêm - học thêm chúng ta vẫn chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề này.

Theo ông Long, từ trước đến nay chúng ta vẫn tiếp cận vấn đề dạy thêm - học thêm như một vấn nạn của xã hội và chúng ta xử lý theo cách là cấm đoán. Có những địa phương tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi xử lý, xử phạt và đưa lên cả báo chí.

“Tôi cho rằng vấn đề ứng xử với nhà giáo như vậy là không phù hợp! Vấn đề quan trọng ở đây là không nên có tư duy cái gì không quản được thì cấm. Dạy thêm-học thêm cũng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của học sinh, phụ huynh. Con em chúng tôi đỗ đạt, đi làm được cũng nhờ học thêm”, ông Nguyễn Công Long nói.

Trao đổi với đại biểu Nguyễn Công Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, nếu dạy thêm được tổ chức ngoài giờ, ngoài nhà trường và cả những người hiện nay không đang làm việc tại các cơ sở giáo dục thì việc dạy thêm không thể cấm được. Bộ GD-ĐT đã có thông tư 17 quy định về việc dạy thêm-học thêm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nên coi dạy thêm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể điều tiết, quy định chặt chẽ được.

Trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Còn việc dạy thêm-học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh của mình, bớt xén các nội dung chính cần đạt, dạy trước nội dung, dạy cho một nhóm học sinh... điều này thuộc về Điều lệ trường học, thuộc về đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, chúng ta cấm trên phương diện đó. Trong điều kiện dạy trực tuyến khi học sinh đã căng thẳng nếu có hiện tượng giáo viên tổ chức dạy thêm thì cần lên án”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.