Phổ điểm ở ngưỡng từ 21 đến 26

Nhận xét về phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, phổ điểm năm nay, nhất là ở các môn khoa học tự nhiên tương tự 2021, riêng môn Ngoại Ngữ -Tiếng Anh có 51% thí sinh trên 5 điểm, hơi thấp so với năm 2021.

Theo ông Sơn, với phổ điểm năm nay cùng với việc trường vẫn dành 70% chỉ tiêu cho phương thức xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp nên điểm trúng tuyển không nhiều biến động, nhiều khả năng tương tự 2021.

“Do điểm tiếng Anh thấp hơn một chút so với năm ngoái nên những tổ hợp xét tuyển có tiếng Anh giảm nhẹ, tuy nhiên vì Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có nhiều môn Khoa học tự nhiên trong các tổ hợp xét tuyển nên điểm trúng tuyển có lẽ không thay đổi mấy”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, điểm trung bình các môn nhỉnh hơn năm 2021, điểm tiếng Anh hơi thấp so với năm ngoái. Đặc biệt các môn nằm trong tổ hợp xét tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải như Toán, Lý, Hóa đều có điểm trung bình rơi vào khoảng 7-8.

Năm nay, trường ĐH Giao thông vận tải tuyển sinh theo 4 phương thức, trong đó 70-80% chỉ tiêu xét theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa dự đoán với những ngành hot, điểm trúng tuyển năm 2022 sẽ nhỉnh hơn điểm chuẩn 2021 khoảng 0.5 điểm. Còn những ngành truyền thống sẽ có điểm chuẩn tương tự như năm ngoái.

“Ngành được xã hội yêu thích như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô điểm chuẩn theo kết quả điểm thi tốt nghiệp năm ngoái tầm 24-25 điểm thì năm nay có lẽ nhích lên 24.5-25.5. Còn những ngành truyền thống như Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật cơ khí động lực vẫn giữ mức điểm chuẩn như 2 năm qua”, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa dự đoán.

Tương tự, TS. Lê Đình Nam, Phó trưởng Phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đánh giá, nhìn trên bình diện chung phổ điểm nhỉnh hơn so năm 2021. Năm ngoái, dù phổ điểm thấp hơn nhưng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dành nhiều chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm nay dù phổ điểm nhỉnh hơn nhưng chỉ tiêu lấy theo thi tốt nghiệp của Bách Khoa Hà Nội giảm xuống. Vì vậy “đương nhiên điểm chuẩn biến động tăng lên một chút”.

“Phổ điểm phần lớn nằm trong ngưỡng từ 21 đến 26. So với những năm trước chỉ có điểm Văn cao hơn còn các môn khác có xu hướng giảm ít”, PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương Mại nhận xét.

Với 7 phương thức xét tuyển trong năm 2022 (tăng 2 phương thức so với năm 2021), tỉ lệ dành cho thí sinh xét tuyển bằng phương thức thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Thương Mại năm nay giảm chỉ còn 58% (năm 2021 chỉ tiêu theo phương thức điểm thi tốt nghiệp chiếm 70%), nên tỉ lệ dành cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi giảm xuống.

Từ những căn cứ này, PGS.TS Nguyễn Viết Thái cho rằng điểm trúng tuyển dựa trên điểm thi không có sự thay đổi nhiều, có giảm chỉ giảm nhẹ, “loanh quanh 0.5 điểm vì số lượng xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp cũng đã giảm”.

Ông Thái lưu ý thí sinh, “với các ngành hot biến động không nhiều, có thể giữ nguyên cũ hoặc giảm 0.5 điểm. Tuy nhiên không thể nói trước vì còn phụ thuộc hoàn toàn thí sinh đăng ký".

Không có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học

Dù dự đoán điểm chuẩn tăng nhẹ nhưng TS. Lê Đình Nam cho rằng điểm chuẩn vẫn phụ thuộc vào việc đặt nguyện vọng và lựa chọn của thí sinh.

“Nhỉnh hơn bao nhiêu rất khó dự đoán vì năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thay đổi nguyên tắc xét tuyển và lọc ảo toàn quốc. Các phương thức khác của các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội biến động nhiều, kết quả lấy theo kết quả thi tốt nghiệp giảm nên năm nay sẽ có xáo trộn khá nhiều trong điểm chuẩn của các trường, các ngành. Vì chưa có tiền lệ để phân tích, mọi thứ vẫn là ẩn số”.

Riêng với nhóm ngành IT, chương trình đào tạo Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm nay chỉ có 2 chương trình lấy theo điểm thi tốt nghiệp là Công nghệ thông tin Việt –Nhật và Kỹ thuật máy tính, ngoài ra có chương trình hợp tác. Vì thế số chỉ tiêu ít hơn và điểm chuẩn sẽ có xáo trộn, biến đổi nhiều.

TS. Lê Đình Nam khẳng định, sẽ không có chuyện 30 điểm vẫn trượt ĐH như năm ngoái vì nhiều bạn giỏi sẽ xét tuyển bằng phương thức khác, ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Không vì chỉ tiêu ít mà điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp sẽ tăng vọt. Các bạn điểm cao có thể vào trường ĐH bằng các phương thức khác”, ông Nam khẳng định.

ThS. Lê Văn Quang, Phó ban thường trực, ban truyền thông Học viện Ngân hàng cho rằng, với nguyên tắc xét tuyển năm nay, khó dự đoán điểm trúng tuyển ở thời điểm này sẽ tăng hay giảm so với mọi năm vì còn phụ thuộc vào chỉ tiêu của ngành đó và số lượng thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm.

“Do năm nay tất cả các phương thức xét tuyển chung trên hệ thống nên trúng tuyển theo phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp sẽ dao động theo kết quả của các phương thức còn lại".

TS. Lê Đình Nam cho rằng, thí sinh không cần quá lo lắng điểm trúng tuyển tăng hay giảm, “với bạn thí sinh có điểm chuẩn 25 điểm, nên xem xem mình yêu thích ngành nào, sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo yêu thích, tiếp đó đánh giá khả năng của mình. Nếu khả năng cao thì sử dụng ít nguyện vọng (10-15 nguyện vọng), khả năng thấp hơn thì dùng nhiều nguyện (hơn 20-30 nguyện vọng) để đậu vào ngành nào đó yêu thích hoặc ít yêu thích hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thái, thí sinh cần cân nhắc điểm thi và phổ điểm hằng năm để tính toán xem mức điểm thế nào là phù hợp.

“Điểm năm nay sẽ không thay đổi quá nhiều nên cân nhắc, nếu điểm của các bạn gần với điểm trúng tuyển năm trước hoặc cao hơn thì nên đặt, còn nếu điểm thấp hơn mà thích nguyện vọng nào vẫn có thể đặt nguyện vọng cao nhưng nhất định phải có nguyện vọng ở mức thấp hơn để phòng tránh trường hợp 10 nguyện vọng vẫn trượt”, PGS.TS Nguyễn Viết Thái lưu ý thí sinh./.