Sẵn sàng hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật để kiểm tra, đánh giá trực tuyến

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác Bộ GD-ĐT Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Certiport. Đây là đơn vị khảo thí hàng đầu thế giới về các bài thi công nghệ thông tin qua mạng lưới 1.400 trung tâm khảo thí tại 150 quốc gia, lãnh thổ.

Dự buổi làm việc về phía Certiport có ông Ray Murray, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh toàn cầu, quản lý chương trình Pearson; ông Jan Day, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh toàn cầu và các đối tác chiến lược; ông Craig Bushman, Phó Chủ tịch tiếp thị của Certiport.

Tại buổi làm việc, ông Ray Murray bày tỏ ấn tượng với giáo dục Việt Nam, đặc biệt trong việc triển khai dạy học bắt buộc môn Tin học từ lớp 3. Đây có thể là mô hình để các quốc gia khác học hỏi, vì Úc, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới, phải đến lớp 7 mới triển khai nội dung này.

Ông Ray Murray cũng chúc mừng Việt Nam đã 2 lần vô địch Cuộc thi Tin học văn phòng thế giới, từ đó gợi ý Việt nam có thể khởi xướng tổ chức một cuộc thi về tin học văn phòng khu vực. “Chúng tôi sẽ làm hết sức để Việt Nam có thể triển khai cuộc thi này”, ông Ray Murray khẳng định.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi làm việc, cũng như mong muốn hợp tác với Certiport và Pearson, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hiện nay toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách, chuyển đổi. Sự chuyển đổi này bao gồm cả nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra, đánh giá… Trong bối cảnh chuyển đổi số, các kỹ năng về công nghệ thông tin là một trong những nhu cầu cần phổ cập cho mọi người dân.

Cho biết một số kỹ năng còn đang thiếu ở đội ngũ giáo viên, giảng viên Việt Nam là khả năng thiết kế các câu hỏi, xác định mục tiêu, nội dung kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đặc biệt là thiết kế kiểm tra, đánh giá cho 2 môn Tin học, Ngoại ngữ, Bộ trưởng đề xuất có một đề án dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm nâng cao kỹ năng kiểm tra, đánh giá cho giáo viên ở Việt Nam trên diện rộng. USAID thường hỗ trợ thông qua một doanh nghiệp đứng ra đề xuất, nên hy vọng Certiport có thể quan tâm đến nội dung này.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đưa ra với mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Certiport và Pearson trong phát triển đội ngũ chuyên gia về khoa học kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam… Bộ trưởng đề xuất tổ chức một cuộc thi về tin học cho học sinh, sinh viên trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đứng ra tổ chức.

Cho rằng những đề xuất của Bộ trưởng là phù hợp, đặc biệt nội dung liên quan đến đội ngũ giáo viên, ông Ray Murray khẳng định sẽ sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam những nội dung này; cũng như sẵn sàng tài trợ cho cuộc thi tin học khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai.

Hiện IIG là đơn vị đại diện cho Certiport tổ chức đánh giá để cấp chứng chỉ công nghệ thông tin cho học sinh và người lớn ở Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị xem xét để mở rộng và có các chứng chỉ đa dạng hơn nữa, phục vụ đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Cùng với đó, Certiport quan tâm tìm hiểu để có những sản phẩm hỗ trợ học sinh, giáo viên Việt Nam khi môn Tin học, Ngoại ngữ được triển khai bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục thông qua kiểm tra, đánh giá, đo lường

Tại cuộc làm việc với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS), ông Amit Sevak - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ETS cho biết, ETS có sứ mệnh thúc đẩy sự bình đẳng cũng như chất lượng giáo dục thông qua việc kiểm tra, đánh giá.

Ông Amit Sevak chia sẻ: "Tôi đã sống ở Châu Á 6 năm. Vì lý do công việc nên tôi đã tới Việt Nam và thăm một số trường đại học. Tại đây, chúng tôi đã gặp một số doanh nghiệp và chúng tôi ấn tượng với những hoài bão, năng lượng tích cực của người Việt Nam. Tôi mong muốn có thể tìm hiểu thêm về các trường đại học tại Việt Nam".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn lãnh đạo ETS đã sắp xếp để ký kết hợp tác ghi nhớ (MOU) lần thứ 3. Đồng thời cho biết, thời điểm này, nền giáo dục của Việt Nam đang trong một giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó có rất nhiều việc phải làm, nhất là đổi mới trong khoa học giáo dục nói chung cũng như trong kiểm tra, đánh giá nói riêng.

Bộ trưởng mong muốn ETS có thể chia sẻ nhiều hơn trong việc phát triển khoa học kiểm tra, đánh giá. Việt Nam sẽ cử người sang Hoa Kỳ để tham dự các khóa huấn luyện, cũng như ETS có thể cử các chuyên gia sang Việt Nam để giúp đỡ. Việt Nam đang trong quá trình phát triển các trung tâm khảo thí độc lập nên rất cần hỗ trợ một cách toàn diện.

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng đề xuất ETS hỗ trợ Việt Nam việc dạy và học Tiếng Anh ở bậc học phổ thông cũng như giáo dục thường xuyên với các khâu nâng cao năng lực giáo viên và kiểm tra, đánh giá.

Thống nhất với những đề xuất Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ khẳng định rất vinh dự được hỗ trợ Bộ GD-ĐT Việt Nam trong việc xây dựng bài giảng.

Chủ tịch ETS cho biết: ETS có hơn 1.000 nhà nghiên cứu và tập trung vào những kỹ năng khác nhau của một bài thi. Bộ phận nghiên cứu, phát triển sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm học tập được từ nhiều nước khác nhau.

Ghi nhận mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về đào tạo cho giáo viên Việt Nam, Chủ tịch ETS chia sẻ: Hiện tại, ETS đang tổ chức đào tạo giáo viên ở nhiều bang trên đất nước Hoa Kỳ. Từ những năm 2000, ETS đã có sự hợp tác tại Việt Nam ngay từ chương trình TOEIC. Đây cũng là một công cụ đánh giá trình độ Tiếng Anh dành cho người đi làm. Thông qua quan hệ đối tác với các đối tác ở Việt Nam, ETS cũng có những cơ hội phục vụ thị trường Việt Nam cùng các công cụ đánh giá khác cho người lao động tại Việt Nam.