Phổ điểm không có biến động lớn

Năm nay dù dịch bệnh nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã triển khai diện rộng với đại đa số (981.773) thí sinh đã tham gia trong đợt 1.

Theo GS. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, so sánh kết quả phổ điểm kỳ thi năm nay với đề thi không có sự biến động lớn và giữ ổn định.

Nhìn phổ điểm môn thi tiếng Anh năm nay có thể thấy 2 điểm tích (đỉnh): điểm 4-5 và điểm 7-8. Thông thường chỉ có 1 điểm tích tập trung theo hình chuông theo phân tích phổ điểm. Qua phân tích phổ điểm tiếng Anh những năm trước điểm tiếng Anh hình chuông lệch trái cho thấy điểm tiếng Anh thấp. Nhưng năm nay có sự phân hóa rõ rệt cho thấy 2 bộ phận, 1 bộ phận chưa có sự cải thiện nhiều, điểm 4-5 nhiều, một bộ phận lớn đạt điểm khá giỏi trở lên trên điểm 7.

GS Nguyễn Đình Đức đánh giá đây là kết quả của tác động chính sách. “Chúng ta có đề án 2020, nâng cao đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, phong trào hội nhập, giảng dạy tiếng Anh các trường được nâng lên, đây là tín hiệu đáng mừng!”.

Nhận xét chung, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng đề thi có sự phân hóa, những ngành “hot” của ĐHQG HN, một số trường Bách Khoa, Ngoại Thương vẫn sử dụng được kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển được thí sinh với số lượng và chất lượng tốt.

Thầy Lê Thống Nhất cũng có chung nhận xét khi cho rằng các số liệu thống kê nói chung không có thay đổi nhiều so với năm trước, kể cả sự lệch điểm trung bình học và điểm trung bình ở mỗi môn thi nhiều hay ít của mỗi địa phương.

Thầy Nhất cho biết trong cuộc họp của Bộ với các chuyên gia mà ông mới tham dự cũng thống nhất đánh giá đề thi đã bám theo chuẩn kiến thức kỹ năng đảm bảo là một đề thi Tốt nghiệp THPT và đã có tính thực tế với hoàn cảnh dạy - học trong giai đoạn chống dịch đang phức tạp. Đánh giá chung là với sự nỗ lực của các UBND tỉnh/thành và của ngành giáo dục, chúng ta đã tổ chức thành công đợt 1 của kỳ thi năm nay.

Nhận xét về phổ điểm môn tiếng Anh, thầy Nhất cho rằng lần đầu tiên trong 5 năm gần đây phổ điểm có "hình yên ngựa" mà không phải "hình chuông" theo chuẩn của thi trắc nghiệm. Có nhiều lý giải đã được đưa ra như tác động tích cực của đề án ngoại ngữ quốc gia, một số trường Đại học dùng chứng chỉ Tiếng Anh cho xét tuyển cũng có tác động mạnh đến phong trào học tập bộ môn này.

Tuy nhiên phổ điểm đặc biệt “hình yên ngựa” cho thấy việc tiếp cận điều kiện học tập môn học này là khác nhau ở các địa phương hoặc nhóm học sinh. Cần nghiên cứu một cách khoa học hơn về ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm môn này đã chuẩn chưa và những câu hỏi vận dụng cao trong đề thi đã hợp lý chưa nên có đột biến về số học sinh đạt điểm 10.

Thầy Thống Nhất cũng nhận xét phổ điểm môn tiếng Anh của đợt thi này giống phổ điểm môn tiếng Anh thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội, vậy nguyên nhân là gì cần nghiên cứu kỹ hơn.

Điểm chuẩn các trường, ngành “top” có thể tăng

Dựa trên phổ điểm từng môn và khối thi, GS Nguyễn Đình Đức dự đoán tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) và A01 (Toán, Lý, Anh) sẽ có điểm chuẩn cao hơn 1-2 điểm so với năm ngoái còn các tổ hợp khác cơ bản giữ ổn định.

Năm nay có 3 đợt điều chỉnh nguyện vọng, trên cơ sở kết quả THPT đã rõ, cộng mong muốn các các em vào ngành nào, đây là dịp tốt các em điều chỉnh nguyện vọng.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường Lương Thế Vinh nhận xét điểm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ tăng lên so với năm trước, đặc biệt là Văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên phổ điểm các môn tự nhiên, Lý, Hóa thấp đi, môn Sinh tương tự năm ngoái.

Từ đó có thể dự đoán điểm chuẩn khối A và B năm nay giảm, điểm khối B giảm sâu. Trong khi đó khối A1 tăng nhẹ vì điểm Lý giảm trong khi điểm tiếng Anh rất cao. Điểm khối D là khối tăng mạnh nhất trong năm nay. Mặt bằng chung không có sự thay đổi nhiều so với năm trước.

Các trường ĐH tốp đầu theo dự đoán của thầy Tùng điểm chuẩn sẽ không tăng và tăng nhẹ. Điểm chuẩn tăng mạnh là các trường tốp giữa.

Thầy Lê Thống Nhất cho rằng từ phổ điểm tổ hợp của một số khối A, A1, D, B, C có thể thấy:

* Toán - Lý - Hóa (A): tập trung ở 21 – 25 điểm, những điểm từ 26 trở lên ít hơn, điểm chuẩn khối này có thể cao hơn năm trước.

* Toán - Anh - Văn (D): tập trung ở 16 – 25 điểm, 30 em > 29, có thể điểm chuẩn cao hơn năm trước.

* Toán - Lý - Anh (A1): tập trung ở 19 – 26 điểm, điều này dẫn đến ngành nào tuyển cả 2 khối A và A1 thì học sinh dễ dùng điểm khối A1 để xét tuyển.

* Toán - Hóa - Sinh (B): dải điểm cao từ 18 – 24 tập trung nhiều ở 21-22 điểm.

* Văn - Sử - Địa (C) tập trung nhiều từ 17 – 20 điểm, những điểm cao hơn có ít học sinh hơn.

Như vậy với phổ điểm của các khối như trên, các trường Đại học có thể xem xét để tuyển sinh nếu đã có phương án. Tuy nhiên, điểm chuẩn cho các trường ở TOP trên cũng đã cao từ năm ngoái nên học sinh cũng thận trọng khi chọn trường để nộp điểm xét tuyển. Tránh tình trạng như năm trước, một số em thấy điểm tổ hợp mình cao nhưng vẫn không đạt chuẩn vào trường mà mình chọn, thầy Nhất nhấn mạnh.

Còn GS Nguyễn Đình Đức thì có lời khuyên với các thí sinh: “Bằng kinh nghiệm của mình, tôi khuyên thí sinh chọn ngành là rất quan trọng. Nhưng phải chọn trường, mọi người chọn ngành rồi nhưng trên thực tế phải chọn trường trước, xem trường nào uy tín chất lượng rồi chọn ngành yêu thích trong trường đó. Mạnh dạn đăng ký ngành yêu thích phù hợp kết quả thi, đăng ký 1-2 nguyện vọng dự định ngành gần với nó”.