Hướng nghiệp - hướng tới cá thể hóa

Hội thảo hướng nghiệp cho học sinh khối 9 là một hoạt động trọng tâm trong tháng 4 của trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội. Với sự tham gia của một số trường nghề và trường THPT dân lập, Hội thảo hướng nghiệp đã cung cấp thêm thông tin hữu ích cho học sinh và cha mẹ các em trong việc lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai.

Hội thảo được tổ chức theo hướng mở. Một số nghề như pha chế, kĩ thuật máy tính được tổ chức thực hành ngay tại chỗ để học sinh được trải nghiệm.

Bùi Gia Thái, học sinh lớp 9A9 trường THCS Chu Văn An vốn đã nhận thấy những công việc lao động trực tiếp mới là niềm say mê thực sự của bản thân. Thái đến với buổi hoạt động hướng nghiệp của nhà trường với mong muốn tìm hiểu về nghề Quản lý khách sạn và Kỹ thuật chế biến món ăn. Sự ủng hộ, đồng thuận từ gia đình là may mắn lớn nhất với Thái khi năm học cuối cùng bậc THCS sắp kết thúc.

“Mình vẫn nói với con rằng học lên được thì vẫn là tốt nhất. Mà nếu không con có thể đi học nghề. Theo mình, đại học không phải con đường duy nhất để thành công”, mẹ Gia Thái cùng tham dự Hội thảo chia sẻ.

Có nhiều năm tham gia các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS, bà Đỗ Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thương mại nhận thấy những thay đổi trong tâm lí phụ huynh học sinh, những người có tác động lớn nhất tới con đường chọn nghề, hướng nghiệp của các em ở lứa tuổi dưới 15. Không ít cha mẹ đã nhận thức được năng lực của con em để chủ động tìm hiểu và đăng kí học nghề từ thời điểm cuối bậc THCS.

Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho biết, trong thời gian gần đây, giáo dục đã thay đổi theo tinh thần đổi mới, hướng tới cá thể hóa học sinh. Việc hướng nghiệp của trường được làm từ sớm, ngoài việc giáo viên chủ nhiệm giới thiệu trên lớp về các nghề nghiệp tương lai, Ban Giám hiệu nhà trường mời các trường trên địa bàn tới để giúp cha mẹ và các học sinh hiểu thêm về các loại hình đào tạo khác nhau, phù hợp nhiều trình độ cũng như đam mê của từng em.

Học tại trường nghề, học sinh vừa được học nghề, vừa được học nội dung cơ bản của chương trình THPT sẽ phù hợp với những học sinh có năng lực văn hóa chưa tốt nhưng có khả năng làm nghề. Hay các loại hình đạo tạo khối ngoài công lập cũng có những ưu thế mà có thể những tiếp cận thông tin của phụ huynh và chính con em họ chưa đầy đủ. Việc mang thông tin đến rất cần thiết trong việc thêm cơ hội lựa chọn, thầy Đặng Việt Hà nêu quan điểm.

Các trường nghề đã chủ động thay vì chờ học viên tìm đến

Tham gia ngày hội hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT được xem như nỗ lực thay đổi, tiếp cận học viên của các trường nghề. Tại đây, các trường nghề có cơ hội giới thiệu về nhà trường, các ngành nghề đào tạo, những thế mạnh trong kết nối doanh nghiệp.

“Trường tôi kết nối với Golden Gate để sinh viên đến thực hành, các em được hỗ trợ ăn trưa và được trả thêm một khoản tiền, không lớn đâu nhưng cũng cho thấy sự trân trọng với phần đóng góp của các em, ngay từ quá trình thực tập. Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật -Thương mại cũng thay đổi phương thức đào tạo, mở thêm những ngành nghề phù hợp nhu cầu thị trường lao động", bà Đỗ Thị Thanh Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật- Thương mại chia sẻ.

Xu hướng du học nghề đang phát triển

Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, gần đây, rất nhiều trường nghề còn nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển như Đức, Australia… trong việc nâng cao trang thiết bị, đào tạo đội ngũ giảng viên cũng như chuẩn hóa khung đầu ra. Cả nước hiện đã có khoảng hơn 70 trường nghề chất lượng cao, tiệm cận chuẩn đào tạo nghề quốc tế.

Cùng những thay đổi tích cực này, xu hướng du học nghề cũng xuất hiện và trở thành lựa chọn cho học viên và phụ huynh các em.

Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trước đây đã từng có nhiều người thuộc thế hệ 5X, 6X và cả 7X có cơ hội học nghề ở những quốc gia phát triển khoa học kỹ thuật. Khi về nước, rất đông trong số họ trở thành những giáo viên nòng cốt ở các trường đại học khối kỹ thuật và cả trường dạy nghề. Tuy nhiên một thời gian dài từ đó, du học nghề ít được đề cập, quan tâm.

Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86 quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, có hiệu lực từ ngày 1/12/2021. Nghị định này đảm bảo được sự cân đối trong việc tạo ra cơ chế chính sách cho hệ thống đào tạo nghề, mở ra cơ hội cho tất cả những ai có nhu cầu học nghề ở nước ngoài.

"Theo nghị định này, phụ huynh cùng các em học viên có thể học nghề trong nước và nước ngoài đều được. Và đương nhiên sẽ có nhiều công ty cùng tham gia vào công việc giới thiệu du học nghề ở các quốc gia khác, giống như học đại học, cao đẳng. Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp hiện cũng tổ chức xác nhận bằng cấp cho các học viên du học nghề”, ông Đỗ Văn Giang phân tích.

Việc chuẩn bị hành trang cho du học nghề theo bà Sơn Ca, Giám đốc tuyển sinh Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Giáo dục và Đầu tư EI (EI Group) nên bắt đầu từ thời điểm cuối THCS. Lúc này, các em khi được cung cấp thông tin, định hướng có thể bắt đầu tiếp cận và học tiếng Đức. Chứng chỉ B1, B2 tiếng Đức đạt được sớm, gia tăng cơ hội du học nghề.

Cũng theo bà Sơn Ca, học viên có khả năng có thu nhập ngay từ thời điểm du học nghề. 85 văn phòng đại diện của EI Group trên khắp cả nước tổ chức tiếp cận và giới thiệu xu hướng du học nghề cho học sinh từ bậc THCS đến THPT.

Từ thực tế 5 năm tuyển sinh và đào tạo ngôn ngữ cho học viên du học nghề, bà Sơn Ca cũng nhận thấy sự thay đổi trong tư duy từ phụ huynh. Trước đây, phụ huynh thường chỉ tập trung việc tìm địa chỉ học nghề trong nước, gần gia đình. Hiện nay, việc để con em du học nghề đã và đang trở thành mối quan tâm, tìm kiếm thông tin ngày càng phổ biến.

Tiếp cận và hiểu giá trị của học nghề sẽ khiến việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trở nên chủ động, tự nguyện cũng như hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận những thay đổi từ các trường nghề trong việc chủ động tìm đến, cung cấp cho học sinh thông tin từ giai đoạn chuyển tiếp sau THCS.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung chương trình Hành trình nghề nghiệp