7 năm xây Nhà chống lũ nhưng có vẻ đến năm 2020, cái tên Jang kều với dự án Nhà chống lũ mới được nhắc đến nhiều thì phải?
Năm 2020 là năm đặc biệt. Đó là năm mà chúng ta không thể lường trước được những thảm họa không chỉ là dịch bệnh mà còn thiên tai, bão lũ. Con người có ít việc để làm hơn, con người nhìn kỹ hơn về nỗi đau hay những gì thuộc về khó khăn, mọi người không còn quá ồn ào lên với những việc mang tính chất bề ngoài nữa.
Và sau 7 năm hiệu quả của dự án Nhà chống lũ cũng trở nên rõ ràng hơn. Mọi người có nhiều thời gian để kiểm nghiệm, để nhận thấy Nhà chống lũ khác biệt hơn hẳn so với những dự án xây nhà từ thiện.
Hiệu quả của Nhà chống lũ không chỉ là con số 799 ngôi nhà đã được xây mà đó là 799 hộ gia đình đã vững vàng vươn lên. Họ không chỉ vươn lên mà còn giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình khác vượt qua sự khốc liệt của thiên tai, bão lũ. Mọi người hiểu và biết nhiều hơn về khái niệm chia sẻ yêu thương một cách thực sự. Nó không chỉ đơn giản là cho ai một cái gì đó mà khi mình giúp ai thì phải đồng hành với họ để cùng nhau thay đổi.
“Yêu thương thực sự” - đó có phải là lý do để chị xây dựng dự án Nhà chống lũ?
Khoảng thời gian 2008 - 2013, tôi liên tiếp tham gia hành trình cứu trợ đến vùng lũ và đó cũng là thời gian mà lũ lụt ở nước ta càng ngày càng khủng khiếp. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để sự hỗ trợ của mình trở nên ý nghĩa hơn. Nếu như cứ tiếp tục tặng bà con mì gói, gạo, quần áo… thì năm nào chúng tôi cũng gặp những gương mặt, những gia đình quen thuộc đó. Mình làm từ thiện thì người ta có tốt lên một chút nhưng khi mình đi rồi thì mọi thứ trở về con số không tròn trĩnh. Bởi vì người ta không phải nỗ lực, không phải cố gắng, không phải đau đáu cùng với hành trình đó.
Tôi mới nghĩ, tại sao mình không tìm một cách thức nào thực sự bền vững, để cho mọi người an toàn cả tính mạng, an toàn cả về tài sản của mình. Tôi dành 4 năm trời để tìm ra cách nào phù hợp nhất và cuối năm 2013 tôi đã viết ý tưởng về dự án Nhà chống lũ. Trong đó cộng đồng và người hưởng lợi cùng chung tay xây nhà, mỗi bên chung nhau một nửa. Và tôi không phải là nhà từ thiện. Mọi người phải cùng nhau chung tay, cùng nhau góp sức.
Lúc đó, có nhiều người nghĩ đây là một ý tưởng điên rồ không?
Điên rồ thì không nhưng hoài nghi thì có. Những người bạn tôi chuyên làm từ thiện có nói rằng, chỉ đi giúp không thôi mà còn khó, còn mang tiếng huống chi là đi xây nhà chống lũ. Người dân cũng hoài nghi, những người bạn cũng hoài nghi, người đóng góp cũng hoài nghi, chính quyền địa phương cũng hoài nghi. Tất cả đều không tin là tôi có thể triển khai được ý tưởng đó.
Nhưng tôi không nói nhiều mà chỉ hành động. Khi gây được khoản quỹ đầu tiên, chúng tôi đã lên tàu đến ngay xã Sơn Thịnh, Hương Sơn (Hà Tĩnh) và làm ngay 5 căn nhà đầu tiên theo phương thức cùng chung tay.
Sau 35 ngày đầu tiên chúng tôi đã xây dựng được 5 căn nhà và người dân cảm thấy tự hào vì chính họ được đóng góp để xây nên ngôi nhà cho chính mình. Và cứ thế, có nhiều người dân đã có niềm tin và đăng ký tham gia dự án Nhà chống lũ từ xã này sang xã kia, từ huyện này sang huyện kia…
Nhưng để hiện thực được ý tưởng Nhà chống lũ, điều khó khăn nhất với chị là gì?
Đó chính là niềm tin. Tiền bạc bằng cách này hay cách khác có thể có được nhưng nếu không có niềm tin sẽ không có những câu chuyện tiếp theo.
Để có niềm tin thì chúng tôi phải rất tận tâm với công việc của mình. Chúng tôi đặt mình vào vị trí của những người được giúp đỡ. Chúng tôi phải hiểu hoàn cảnh, khó khăn, vướng mắc của họ. Hiểu được mong muốn, khát khao của họ, cái gì là tiềm năng để có thể biến thành khả năng.
Điều mà chúng tôi mong muốn đem đến cho người dân không phải là những người nghèo có được một cái nhà hay cái gì đó mà chính là sự thay đổi của họ. Để họ có niềm tin luôn có những người đứng bên cạnh chia sẻ và giúp họ có động lực vươn lên tự thay đổi cuộc sống.
Có rất nhiều ngôi nhà được gắn biển là nhà tình thương, gắn logo của doanh nghiệp… người nghèo có tự tin không? Tự hào không? Tôi nghĩ là khó để tự hào. Tất nhiên họ yên tâm hơn về cuộc sống của mình nhưng nếu không có tự tin và tự hào thì chắc chắn không thể thay đổi cuộc đời của mình.
Và hành trình 7 năm qua không chỉ dừng lại ở nhà chống lũ?
Sau một thời gian triển khai xây Nhà chống lũ ở miền Bắc, miền Trung, chúng tôi có đặt chân đến Cù Lao Dung, Sóc Trăng - một cái làng tái định cư đồng không mông quạnh, cỏ cao ngút đến đầu người, những ngôi nhà lụp xụp... mọi người ở đó không hẳn là sống mà chỉ là tồn tại.
Vấn đề ở đây là mọi người đang phải đối mặt với hạn hán, nhiễm mặn, là sạt lở… Khi đó, tôi có đặt câu hỏi, liệu chỉ giúp họ xây nhà thôi thì cuộc sống nơi đây có khác đi không? Họ có chuyển từ tồn tại sang sống không? Hay đơn giản chỉ là một ngôi nhà an toàn?
Tôi có chia sẻ một vài ý tưởng trồng rau, nuôi vịt… làm cái này cái kia nhưng họ đều từ chối. Họ không muốn gì vì họ quá quen cái nghèo.
Nhưng càng khó khăn thì tôi càng quyết tâm. Tôi muốn có một cộng đồng mà trong đó con người được sống, được kết nối với nhau, được tự hào về ngôi nhà, ngôi làng và cộng đồng của mình. Tôi bắt tay vào viết hai dự án “Làng hạnh phúc” và “Hạnh phúc xanh” cùng mọi người chung tay trồng rừng.
Năm 2020, tôi bắt đầu triển khai dự án: “Làng hạnh phúc”, triển khai các hoạt động xây nhà, làm vườn, giúp người dân kết nối với nhau. Sau vài tháng, tôi đã cảm nhận sự thay đổi. Mọi người đã chơi với nhau, cùng nhau làm việc chung, cùng nhau đi đào cống, cùng nhau chăm sóc ngôi nhà, ngôi làng, khuôn vườn của họ… ngôi làng xung quanh đồng không mông quạnh giờ dần được thay bởi một ngôi làng xanh tốt. Đó là điều tôi mong muốn được nhìn thấy nhất, nhìn thấy mọi người “sống” chứ không phải “tồn tại”.
Nhưng với chị, thế nào mới là một ngôi làng “hạnh phúc”?
Tôi hướng đến một ngôi làng mà ở đó những giá trị văn hóa được gìn giữ. Tôi đã đi đến nhiều ngôi làng và nhận thấy nhiều người dân dù sở hữu những ngôi nhà rất vững chắc, an toàn nhưng họ vẫn bỏ quê hương để ra đi.
Vì sao lại như vậy? Tôi nghĩ họ không còn nhiều thứ để gắn kết với quê hương của mình. Với họ, đơn giản là sống mà sống ở chỗ nào kiếm được nhiều tiền hơn là được. Thế nên ngôi nhà an toàn thôi không đủ. Tôi nghĩ phải có những cộng đồng sống. Nếu chúng ta giữ được những cấu trúc làng thì sẽ giữ được văn hóa… Đó cũng là lý do mà chúng tôi làm dự án “Làng hạnh phúc”.
“Làng hạnh phúc” không chỉ là những ngôi nhà mà yếu tố đầu tiên là quy hoạch hạ tầng. Những ngôi nhà được sắp đặt như thế nào để ngôi làng đó trở nên đẹp hơn, an toàn hơn. Các hạ tầng như trường học, bệnh xá, khu vui chơi, thư viện… để phục vụ cho những đứa trẻ và người dân trong làng được hạnh phúc và kết nối.
Thứ hai, những ngôi nhà phải có kiến trúc riêng và xây dựng an toàn, thân thiện với môi trường, không sử dụng những vật liệu ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ ba, môi trường sinh thái sạch sẽ, có cây cối nhưng cũng phải mang lại lợi ích kinh tế để người dân gắn bó với ngôi làng của mình hơn.
Như vậy, 3 yếu tố mà tôi vừa nói đến là: Quy hoạch hạ tầng, kiến trúc xây dựng và sinh thái môi trường. Làng hạnh phúc là cộng đồng trong đó mọi người sống an toàn, kết nối với nhau cùng nhau gìn giữ thiên nhiên và cùng nhau gìn giữ văn hóa bản địa của mình.
Xuyên suốt những gì chị chia sẻ xem ra chị đang hướng đến một giá trị sống, đó là “bền vững”?
Đúng vậy. Chúng ta nhìn thấy sự chênh vênh ở trong xã hội từ rất nhiều thứ. Mà rõ ràng nhất chính là đại dịch covid-19, là lũ lụt… Thiên tai, dịch bệnh có thể đến bất cứ lúc nào và có thể cướp đi tính mạng của bất cứ ai không kể giàu nghèo, không kể địa vị xã hội.
Bên cạnh đó chúng ta thấy những giá trị văn hóa truyền thống cũng ngày một mai một. Khi con người không còn sợi dây văn hóa kết nối, gắn kết với nhau thì mọi người sẽ chỉ tập trung vào giá trị vật chất mà tiền, vàng, đô-la không thể đánh đổi với môi trường. Mọi người không thể đem tiền, vàng, đô-la đi khi mà cả vùng đất đó bị cuốn trôi.
Năm 2020, chúng ta đều nhìn thấy được tất cả sự chênh vênh đó. Một năm mà có quá nhiều biến cố không lường trước được, không chuẩn bị trước được. Khi không được chuẩn bị trước thì đó chính là thời điểm mỗi cá nhân bộc lộ một cách thực nhất. Với sức khỏe của mình, với khả năng sinh tồn của mình. Mỗi doanh nghiệp cũng bộc lộ rõ ràng nhất về khả năng tồn tại nếu những dịch vụ, những sản phẩm đó có thực sự bền vững?
Bây giờ mọi người sẽ không nói nhiều đến việc làm cách nào để đi nhanh nhất, phát triển nhất, giàu nhất, thành công nhất mà mọi người sẽ nói đến việc đi bền vững nhất và bình an nhất.
Vậy, chị xây dựng một cuộc sống bền vững ấy với những trụ cột nào?
Khi chúng tôi lựa chọn hướng đi là Sống bền vững thì ngay dự án đầu tiên là Nhà chống lũ năm 2013 đã đặt ra bài toán về sự phát triển bền vững chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện của sự giúp đỡ những người khó khăn hơn. Nếu chỉ là câu chuyện giúp đỡ thì chúng tôi đã chọn cách làm từ thiện chứ không phải xây dựng 800 căn nhà hay 8000 căn nhà nữa. Nếu chỉ cho tiền và nhận tiền thôi thì nó sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Nhưng chúng tôi đã chọn hướng đi chậm hơn và bền vững hơn. Và chúng tôi phát triển sống theo ba trụ cột quan trọng: Thứ nhất là cộng đồng bền vững (Nhà chống lũ), trong đó con người được sống an toàn và kết nối với nhau. Thứ hai là môi trường bền vững (mô hình Hạnh phúc xanh) và con người bền vững (dự án Làng hạnh phúc). Khi đã có 3 yếu tố con người, thiên nhiên và giá trị vật chất thì mới hướng đến cuộc sống bền vững được.
Chúng tôi làm từng bước một, hiện tại Nhà chống lũ có 2 dự án, Hạnh phúc xanh có 3 dự án và “Bản giao hưởng rừng xanh” hiện tại có một dự án. Công việc của mỗi năm sau sẽ nhiều hơn năm trước rất nhiều.
Chị đặt niềm tin gì cho năm 2021?
Tôi muốn nhắc lại, năm 2020 vừa qua là năm nhiều biến động, rủi ro và mất mát nhưng chúng ta cũng nhìn thấy sự yêu thương lan tỏa ở khắp nơi. Mọi người cùng giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch. Mọi người cùng giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai, bão lũ.
Chúng ta vẫn đang được sống trong một cuộc sống bình an, tự do kết nối trong khi nhiều nước trên thế giới đang rất khó khăn với điều đó. Chính sự bình an, sự yêu thương đó đã nở hoa và trong năm 2021 với một nền tảng yêu thương, mọi người nhìn lại bản thân mình và chuẩn bị nội lực cho mình, tôi tin rằng mỗi một người trong chúng ta sẽ có một cách sống hạnh phúc hơn và xã hội sẽ có những giá trị bền vững hơn, cùng hướng đến những điều tươi đẹp và đất nước sẽ có những thành tựu tốt đẹp hơn.
Cảm ơn chị!