Đó là thông điệp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành Giáo dục-Đào tạo, tạo nên hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội năm 2021. Thông điệp, yêu cầu của Thủ tướng tuy ngắn gọn nhưng đã chỉ ra vấn đề quan trọng cho giáo dục nước ta hiện nay là cần phải hành động vì một nền giáo dục thực chất.

Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học được xem là bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra, đánh giá sao cho đúng và thực chất. Riêng môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu.

Yêu cầu “chấm dứt học Văn theo bài mẫu” của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tạo ra những tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn giáo dục. Dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ quan điểm của tư lệnh ngành giáo dục. Tuy nhiên điều quan trọng là chấm dứt nạn văn mẫu bằng cách nào khi nó đã ngấm sâu vào nền giáo dục?

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến trường học ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung phải đóng cửa, chuyển trạng thái sang học tập trực tuyến.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng triệu học sinh trên cả nước cũng không thể đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 mà chỉ được nghe tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình hay máy tính.

Trong Thư gửi ngành giáo dục trước thềm năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi hiểu, với người làm thầy, làm cô và với các em học sinh, sinh viên, việc không thể đến lớp vào mùa tựu trường là cả một sự trống trải đi liền với nỗi buồn sâu sắc.”

Sau lễ khai giảng trực tuyến đặc biệt, chưa từng có, hàng triệu học sinh trên cả nước bắt đầu năm học theo một cách đặc biệt: học trực tuyến.

Học trực tuyến là một thách thức lớn, nhất là với học sinh tiểu học, đặc biệt là với học sinh lớp 1 khi các em còn quá nhỏ và chưa quen với nề nếp học tập bậc phổ thông, kỹ năng thao tác và sử dụng máy tính còn hạn chế.

Đây cũng là một thách thức với các thầy và trò lớp 2 và lớp 6, hai khối lớp lần đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình được thiết kế với nhiều hoạt động tương tác hơn so với chương trình cũ.

Tháng 12/2021, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành thí điểm cho học sinh lớp 9, lớp 12 trở lại trường. Tuy nhiên, hành trình mở cửa trường học trở lại của các địa phương gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Nhiều trường học mới mở cửa lại ngay lập tức phải đóng cửa do xuất hiện các ca F0. Đã có những lo ngại của các chuyên gia về ảnh hưởng lâu dài của việc thời gian dài trẻ không được đến trường.

Đến cuối tháng 12, phần lớn các tỉnh, thành phố vẫn phải kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy qua truyền hình. 20 tỉnh, thành phố vẫn hoàn toàn tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Thích ứng an toàn, đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em để sớm đưa các em trở lại trường học đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Tháng 6-7/2021, Dịch Covid-19 bùng phát mạnh với những điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cùng hàng loạt các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên… nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch, giải tỏa nỗi lo lắng, chờ đợi của thí sinh, phụ huynh.

Để đảm bảo an toàn, kỳ thi được tổ chức làm 2 đợt với tổng số gần 1 triệu thí sinh trên cả nước. Mặc dù được tổ chức với quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, nhiều điểm thi vẫn phải dừng thi, nhiều thí sinh không thể tham gia kỳ thi khi thuộc trường hợp F0, F1.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc cách tốt nghiệp THPT cho hơn 12.000 thí sinh đồng thời chỉ đạo các trường đại học có phương thức tuyển sinh phù hợp đối với những thí sinh này. Đây cũng là số lượng thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT lớn nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước).

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khiến dư luận “choáng” với 24.555 điểm 10, cao gấp 4 lần so với năm 2020; riêng môn giáo dục công dân có đến 18.680 điểm 10 (chiếm hơn 76% tổng số).

Môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) gây bất ngờ lớn khi có đến 4.582 điểm 10 và lần đầu tiên sau rất nhiều năm đã có điểm trung bình môn thi vượt hơn 5.

Việc điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn năm trước khiến cho điểm trúng tuyển đại học theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng "sốc". Các trường tốp trên như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đều lấy điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên.

Đặc biệt, ngành Hàn Quốc học (tổ hợp C00) của trường Đại học KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội) có điểm chuẩn 30/30; Ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao trường Đại học Hồng Đức có mức điểm chuẩn 30,5.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa tuyển sinh đại học năm 2021, có 265 ngành học điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên. Đặc biệt, có 61 thí sinh đạt thí sinh đạt 29,5 không trúng tuyển nguyện vọng nào.

“Chỉ những thí sinh nào điểm cao nhưng không đặt nguyện vọng vào những ngành thấp hơn thì mới không trúng tuyển. Đây là điều đáng tiếc”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Mặc dù từ năm 2020, mục tiêu chính của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để xét tốt nghiệp THPT, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, phương án tuyển sinh dựa vào các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy không thể thực hiện, dư luận cho rằng, đề thi quá dễ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi-hài trong công tác tuyển sinh năm 2021. Và một lần nữa yêu cầu đổi mới thi cử tiếp tục được đặt ra.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo thực hiện năm 2021 truyền đi thông điệp tích cực, giàu tính nhân văn.

Chương trình được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.

Chỉ sau hơn 1 tháng phát động, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã huy động được hơn 142 tỉ đồng, hơn 28.400 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.

Đặc biệt đến ngày 30.10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đầu tháng 11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức bàn giao 10.000 máy tính đầu tiên trong tổng số 37.000 máy VNPT cam kết tài trợ.

Trong lúc cả nước đang căng sức chống đại dịch COVID-19 và cuộc sống của hàng triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường đang chịu tác động mạnh mẽ thì sự ra đời của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là rất kịp thời.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tất cả các kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn 37/37 học sinh Việt Nam đều xuất sắc đạt giải với 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 (ISEF 2021) được tổ chức tại Mỹ, đoàn Việt Nam có 01 dự án đoạt giải chính thức của Hội thi và 02 dự án đoạt đặc biệt do các tổ chức khoa học – công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắn nhủ tới các em học sinh đạt thành tích xuất sắc tại các cuộc thi Olympic và khoa học Quốc tế đừng quá tự gây áp lực cho chính bản thân mình. Quan trọng là trong sự phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm sau các em cảm thấy đã vượt lên chính mình của ngày hôm trước. Hãy xem những tấm huy chương là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai.