Năm nay, học sinh cả nước chỉ có một tuần tựu trường trước khi khai giảng, riêng học sinh lớp 1 tựu trường trước 2 tuần để làm quen với trường lớp. Khoảng cách từ ngày tựu trường đến khai giảng rất ngắn.

Trải qua mấy năm đại dịch, giá trị của một ngày khai giảng trực tiếp lại càng trở nên thấm thía. Sự khấp khởi, chờ mong đến ngày khai giảng càng được nhân lên trong cả thầy, trò và các phụ huynh.

Tại Hà Nội, lễ khai giảng được tổ chức gọn nhẹ với học sinh là trung tâm. Nền nếp hát Quốc ca dưới cờ đã trở lại bắt đầu từ ngày khai trường.

Tưng bừng khai giảng ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội
Lễ chào cờ tại trường chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Trường Tiểu học Vạn bảo, quận Hà Đông, Hà Nội.
Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội

Ở bậc học mầm non, các trường tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường. Thời lượng tổ chức tối đa chỉ 60 phút.

Trường mầm non Hoàng Liệt , Hoàng Mai, Hà Nội

Nhiều trường học tại Hà Nội thực hiện lễ “Khai giảng xanh”, nói không với bóng bay nhưng vẫn đảm bảo màu sắc vui tươi trong ngày đặc biệt.

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên của 200 em học sinh mồ côi đến từ 41 địa phương dưới mái trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Hy Vọng - một ngôi trường liên cấp của các em nhỏ mồ côi cha, mẹ do COVID-19 đến học tập.

Phát biểu tại Lễ Khai giảng sớm của trường Hy vọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ tới toàn thể học sinh, từ trong gian khổ, mất mát, đau thương, nếu có ý chí vượt khó khăn vươn lên, trách nhiệm với bản thân và đất nước, với sự quan tâm của xã hội, nhất định các em sẽ vượt qua và thành công.

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đại dịch Covid-19 đã làm 4.461 trẻ em Việt Nam rơi vào cảnh mồ côi; trong đó có 193 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trường PTTH DTNT Kon Tum là trường chuyên biệt nuôi dưỡng, con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với nhiều CLB thể thao, âm nhạc, cồng chiêng, khai giảng của "teen" phổ thông dân tộc đậm đà bản sắc các dân tộc anh em ở Tây Nguyên.

Thầy Hiệu trưởng Hồ Thân Em đọc Thư Chủ tịch nước và Diễn văn khai giảng tại trường PTTH DTNT tỉnh Kon Tum.
Nhiều tiết mục văn nghệ của teen PTTH DTNT tỉnh Kon Tum đậm đà bản sắc các dân tộc anh em ở Tây Nguyên.
Lễ khai giảng tại liên trường PTDTNT THPT Huyện Nậm Pồ & Trường PTDTBT THCS Nà Hỳ, tỉnh Điện Biên.
Niềm vui của các em học sinh trong ngày khai giảng tại trường Tiểu học Vĩnh Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Trường Tiểu học Bát Đại Sơn, Quản Bạ Hà Giang hiện có 21 lớp với 515 học sinh ở 4 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính. Trong đó điểm trường xa nhất Tả Chư Phìn

Là ngôi trường học giáp biên giới, đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên khai giảng ở đây được tổ chức đơn sơ.

Thầy hiệu trưởng đánh trống khai trường tại trường tiểu học Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang.
Các em nhỏ trường tiểu học Bát Đại Sơn vui chơi sau lễ khai giảng.

Điểm trường thôn 5 Tu Nấc là một trong 15 điểm trường khó khăn, chưa có đường giao thông của xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Nơi đây có 54 học sinh đồng bào Xơ Đăng (đa phần là con hộ nghèo) sống biệt lập trên núi.

Điểm trường thôn 5 Tu Nấc của xã miền núi Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Học sinh háo hức chào đón khai giảng tại trường mầm non Phùng Chí Kiên, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên cả nước với các khối lớp 3, 7, 10. Hai năm học trước đó, ngành đã triển khai chương trình mới với các khối lớp 1, 2, 6.

Đặc biệt, khối lớp 10 có sự thay đổi lớn khi học sinh bước vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Sau khi điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc, học sinh lớp 10 THPT có 8 môn bắt buộc và chọn 4 môn trong 9 môn học lựa chọn.

Chủ tịch nước đánh trống khai giảng năm học mới của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên , Đại học Quốc gia Hà Nội - một ngôi trường giàu truyền thống, nơi phát hiện, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh tài năng của đất nước.
Các học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong ngày khai giảng.

Việc lựa chọn môn học khác với tổ hợp truyền thống nên các thầy cô đều cho rằng cách xét tuyển của các trường ĐH, thậm chí cả kỳ thi tốt nghiệp cũng phải thay đổi.

Sự thay đổi về thi cử cần phải được công bố sớm để các em có kế hoạch học tập. Đây là yêu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh.

Trước khai giảng 2 tuần, khoảng 700 phụ huynh tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phải bốc thăm để giành suất vào trường mầm non Hoàng Liệt – trường công lập duy nhất tại phường, bởi trường này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 20% trẻ.

"Nghẹt thở" với cảnh bốc thăm giành suất vào trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Thiếu trường, lớp ở các khu đô thị phát triển “nóng” đang là vấn đề cấp thiết trước thềm năm học mới. Nó cho thấy cần nhìn lại vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng trường học ở các đô thị lớn.

Năm học 2022 - 2023, TP.HCM tăng khoảng 21.825 học sinh. Còn tỉnh Bình Dương, số học sinh toàn tỉnh dự kiến tăng khoảng 29.000 học sinh, chủ yếu ở các địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, nên việc thiếu trường, lớp vẫn chưa thể khắc phục.

Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu ở các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình mới và giáo viên mầm non khu vực khó khăn. Tuy nhiên, cả nước cũng thừa cục bộ hơn 10.300 giáo viên ở từng cấp học.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đặc biệt cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngay trong năm học này, nhiều địa phương đã đưa ra những giải pháp trước mắt.

Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tin học và ngoại ngữ ở tiểu học, ngành giáo dục sẽ điều động giáo viên THCS xuống dạy ở cấp tiểu học với điều kiện đã được bồi dưỡng. Đồng thời, điều động giáo viên dạy liên trường trên một địa bàn.

Tại Nghệ An, toàn tỉnh thiếu 417 giáo viên tin học tiểu học. Do đó, địa phương đã tập huấn để những giáo viên tiểu học, THCS thừa thiếu cục bộ ở môn khác có thể “đá chéo sân” sang dạy Tin học từ năm tới.

Để tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, ngày 31/8 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các trường học theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đồng thời, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng; Có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một mùa khai giảng “bình thường” đang được học trò, thầy cô, phụ huynh hân hoan chào đón mặc dù còn không ít những nỗi lo. Nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đại dịch Covid-19 quét qua dường như đã hình thành trong mỗi người sức chịu đựng và khả năng thích ứng. Để thấy rằng những vất vả khi năm học mới bắt đầu chưa thấm tháp vào đâu so với những gì chúng ta đã trải qua, để vững tin rằng ngành giáo dục sẽ vượt qua thách thức, tiếp tục đạt được những mục tiêu trong năm học mới./.