Từ phân tích kết quả kiểm định chất lượng của 550 chương trình đào tạo (CTĐT) theo Bộ Tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT, 30 cơ sở giáo dục (CSGD) theo Bộ Tiêu chuẩn đối sánh UPM và xếp hạng 140 Thành phố đại học tốt nhất thế giới theo Bộ Tiêu chuẩn QS, mới đây tọa đàm “Thách thức đối với giáo dục đại học Việt Nam dưới góc nhìn của kiểm định chất lượng, đối sánh và xếp hạng đại học” đã nhìn nhận chất lượng giáo dục đại học Việt Nam ở 3 cấp độ: quốc gia, trường đại học và chương trình đào tạo.

Nguy cơ mắc bẫy top 5 ASEAN

GS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc Gia Hà Nội) đã đưa ra những thông tin đáng chú ý. Theo đó, Việt Nam vẫn đứng thứ 5 về tổng số công bố quốc tế trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII giảm từ 44/132 (năm 2021) xuống thứ 48/132 (năm 2022).

Nghiên cứu số lượng bài báo công bố quốc tế hằng năm trên nguồn Scopus, Việt Nam vẫn thua Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia. Xếp hạng 140 thành phố ĐH thế giới tốt nhất, ASEAN có 7 thành phố nhưng Việt Nam (với dân số 100 triệu dân) không có thành phố nào lọt top.

Theo GS Đức, so với tầm khu vực, xu thế phát triển của đại học nước ta đang chững lại, thậm chí khả năng mắc bẫy TOP 5 ASEAN. “Điều đó cho thấy chúng ta dù nỗ lực nhưng không thay đổi về chính sách đầu tư và mô hình phát triển giáo dục ĐH thì Việt Nam không phát triển nhanh tiếp được nữa”.

Bảng xếp hạng các thành phố tốt nhất có 6 tiêu chí: Dựa vào kết quả xếp hạng của các trường ĐH trên địa bàn; Tỉ lệ sinh viên trên dân số; Mức độ yêu thích lựa chọn trường; Việc làm sinh viên; Học phí, sinh hoạt; Đánh giá của sinh viên điều kiện khác… Theo GS. Nguyễn Hữu Đức nếu nói đến xếp hạng các thành phố tốt nhất thì không chỉ là trách nhiệm của trường ĐH nữa mà là trách nhiệm của cả Chính phủ, thành phố.

Nhiều chỉ số còn thấp

Chất lượng giáo dục từ cấp độ cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện dựa vào số liệu đánh giá theo bộ tiêu chuẩn xếp hạng đối sánh và gắn sao UPM cho 10 cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ kỹ thuật.

Bộ tiêu chuẩn UPM gồm có 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí. Kết quả trung bình cho thấy, các cơ sở giáo dục ĐH còn có 10 tiêu chí có mức độ đạt chưa cao so với mốc chuẩn của hệ thống UPM.

Chuẩn này bao gồm các tiêu chí về chất lượng tuyển sinh, mức độ thích ứng với CMCN 4.0 của CTĐT, đào tạo cá thể hoá, chỉ số xếp hạng Scimago về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, số doanh nghiệp khởi nghiệp, số lượng sáng chế, hoạt động hỗ trợ cộng đồng học tập suốt đời, khuôn viên đại học và chuyển đổi số.

So sánh Việt Nam và Thái Lan ở các chỉ số đào tạo cho thấy chúng ta đang thua bạn. Cụ thể, trong 10 trường ĐH khoa học kỹ thuật công nghệ và tự nhiên (trừ một số trường ĐH lớn), nhiều trường ĐH kỹ thuật có chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp. Trong khi nước ngoài có điểm chuẩn đầu vào các trường kỹ thuật cao, có những trường chỉ lấy 25%-18% đăng ký. “Đây chỉ là một chỉ số nhưng khi chúng ta thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa mà đầu vào của kỹ sư 15-16 điểm là một nguy cơ”.

Về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong khi Thái Lan gần 50-70% tiến sĩ thì ở ta trung bình cả nước 31%.

Các chỉ số về cấu trúc nội dung chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu 4.0, đào tạo cá thể hóa còn thấp so với nước bạn.

Về nghiên cứu đổi mới sáng tạo, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam nhiều hơn nhưng tính tổng thể của Thái Lan thì Việt Nam thua. Số bài báo Thái Lan có hợp tác quốc tế thấp hơn Việt Nam nhưng chủ yếu bài báo của họ là bài báo nội lực.

Tương tự các chỉ số sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, chỉ số chuyển đổi số của ta còn thấp,.

“Tôi đến trường ĐH Việt Nam hỏi mức độ sử dụng tài nguyên số, xem các thư viện có đếm được một ngày bao nhiêu người vào tài nguyên số nhưng không đếm được. Các trường đếm được thì mức độ cũng thấp để thấy chuyển đổi số chúng ta nói nhiều nhưng mức độ làm được vẫn còn ít”.

Tiêu chí về hệ sinh thái và chuẩn mực xã hội có 2 nhóm. Nhóm 1 có phát triển năng lực học tập suốt đời không, năng lực học tập suốt đời khái niệm đang hiểu khác nhau nhưng trong UPM và một số bảng xếp hạng khác họ nói nếu trường ĐH phục vụ học tập suốt đời tốt thì quan trọng thay bằng ĐH, bằng tiến sĩ, thạc sĩ, các trường các khoa nên chú ý đến các khóa đào tạo ngắn hạn, làm sao trường ĐH như một “siêu thị tri thức” để thứ 7, Chủ nhật hoặc buổi tối thắp điện sáng trưng nhân dân vào học và có chứng chỉ cập nhât kiến thức, chúng tôi đo thang số này còn thấp.

Đầu vào đại học phải từ 22 điểm

Từ nghiên cứu này, GS. Nguyễn Hữu Đức đưa ra 8 điểm gợi ý cho giáo dục đại học Việt Nam:

- Tính chuyên nghiệp: Phát triển chương trình đào tạo và đánh mức độ đạt của chuẩn đầu ra.

-Chất lượng tuyển sinh về các trường công nghệ kỹ thuật. “Phải có chính sách trước khi đào tạo nhân tài làm sao để sinh viên từ 20-22 điểm vào học mới có đất nước công nghiệp hiện đại 2030-2045”, GS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

-Chất lượng đội ngũ: Trình độ và phương pháp dạy học – khả năng gia tăng giá trị cho người học.

-Năng lực nghiên cứu – chức năng của ĐH, cơ sở đổi mới sáng tạo.

-Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và năng lực số.

-Đổi mới chỉ số, bộ chỉ số kiểm định chất lượng: Ruules –base và KPIs, chú trọng giá trị gia tăng.

-Mô hình đảm bảo chất lượng: 3 cấp (quốc gia, cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo); Tích hợp; Kết hợp; Tiếp cận đa chiều; Tối thiểu và tự chủ.

-Nguy cơ bẫy top 5 ASEAN: mô hình đầu tư và mô hình tăng trưởng mới.

GS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, hiện khoa học công nghệ là chiến tranh giữa các quốc gia, tính tự cường dân tộc nhiều, nếu không quan tâm đầu tư đúng cho giáo dục đào tạo cho khoa học công nghệ thì không thể phát triển được.

“Chúng ta có đầu tư cho giáo dục ĐH và khoa học công nghệ không, nếu đầu tư thì đầu tư thế nào? Mô hình tăng trường nào? Đều phải xem lại. Chừng nào không thay đổi mô hình khác thì lúc nào cũng mắc bẫy tốp 5 ASEAN hiện hữu”./.