Sáng 9/5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú,; các nhà khoa học, đại diện Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội, hiệu trưởng một số trường THCS, THPT ... và đại diện các đơn vị liên quan.

Hội thảo nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Đề án thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Hội thảo được tổ chức nhằm có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chương trình, tài liệu nhằm bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên, giúp giáo viên dạy tốt nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó, hướng đến thực hiện nhiệm vụ mà thành phố giao cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đào tạo giáo viên dạy môn Hà Nội học trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, những năm qua, các trường phổ thông của Hà Nội đã thực hiện từ tích hợp đến dạy độc lập nội dung địa phương Hà Nội vào các môn học trong nhà trường phổ thông. Hà Nội cũng là địa phương tiên phong đi đầu trong cả nước dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, bởi những lý do chủ quan và khách quan.

GS.TS Đỗ Thị Minh Đức cho rằng: Giáo dục địa phương là một nội dung học hay trong đó Hà Nội rất cần chú trọng đặc biệt đến môn học này một cách toàn diện từ văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, các vấn đề xã hội và những vấn đề nổi bật của Thủ đô. Vì Hà Nội là một địa phương nổi bật và có nhiều người quan tâm đến Thủ đô Hà Nội cho nên giáo dục địa phương Hà Nội cũng được quan tâm nhiều và cũng được nhiều người tham gia vào để viết giáo trình rồi viết chương trình và những cái nội dung có liên quan đến giáo dục địa phương Hà Nội .Xuất phát từ cái đặc thù đặc biệt, cái điểm đặc biệt của thành phố Hà Nội thì công dân cần hiểu biết về địa phương mình sống, bao gồm lòng tự tự hào và cả trách nhiệm đối với Thủ đô.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên KHXH Nhân văn ĐHKHXH Nhân văn ĐHQG Hà Nội là người tiên phong đưa nội dung Hà Nội học vào chương trình giảng dạy cho học sinh. Theo PGSTS Nguyễn Quang Liệu : " Bởi vì Hà Nội Học là một bộ phận của lịch sử dân tộc, nó gắn kết với lịch sử dân tộc và theo chiều dài của lịch sử thì Thăng Long, Hà Nội với lịch sử Việt Nam nó có cái mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để yêu được đất nước này thì chúng ta trước hết yêu cái mảnh đất chúng ta sinh ra, đó chính là mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta. Vì vậy, cho nên chúng tôi tiên phong công việc đưa môn Hà Nội học vào trong trường trung học phổ thông chuyên KHXH&NV. Khi đưa môn Hà Nội học vào thử nghiệm trong trường trung học phổ thông chuyên KHXH&NV, dù gặp một số khó khăn, ví dụ như là về đội ngũ giáo viên, về nguồn học liệu, về cơ sở vật chất... Nhưng mà trường chúng tôi đã tận dụng được cái nguồn nhân lực trong Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như một số trường, trong đó có trường Đại học Thủ đô Hà Nội.Thứ hai là về cái nguồn học liệu thì chúng tôi rất may mắn có các giáo sư của các nhà khoa học đã có các cái cuốn sách chủ biên về Hà Nội và chúng tôi lồng ghép đưa vào trong nội dung giảng dạy và thứ ba là chúng tôi cũng dựa vào cái đội ngũ nghiên cứu của trường đại học KHXH&NV trên các lĩnh vực như là địa lý, lịch sử và văn học để giảng dạy cho các em. Trải qua ba năm đưa môn Hà Nội học vào trong trường THPT chuyên thì chúng tôi đạt được được rất nhiều cái kết quả đáng khích lệ và có rất nhiều kinh nghiệm được chúng tôi rút ra ."

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng : Đưa môn Hà Nội học vào trong các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông là rất cần thiết. Tuy nhiên nhân tố quyết định thành công chính là đội ngũ giáo viên. Vì vậy, trường đại học Thủ đô Hà Nội cần phải mở mã ngành để đào tạo cử nhân sư phạm về Hà Nội học để giảng dạy cho các trường. Có như vậy quá trình dạy và học mới thực sự hiệu quả và bổ ích cho người học.

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án 1209, cho biết: Hà Nội đã thực hiện việc dạy tích hợp kiến thức địa phương Hà Nội vào các môn học ở các cấp học từ năm 2008-2009 và năm học này là năm thứ 3 Hà Nội thực hiện giáo dục địa phương nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Qua 28 bài tham luận gửi đến hội thảo cùng với 3.077 phiếu khảo sát, bước đầu có những cơ sở để đánh giá thực trạng dạy giáo dục địa phương của Hà Nội hiện nay. Mục đích hướng đến giáo dục địa phương của Hà Nội phải là một môn khoa học, được đối xử công bằng trong nhà trường, môn học này sẽ giúp học sinh thêm yêu Hà Nội, là nguồn nhân lực trẻ có khát vọng vươn lên thực hiện các nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân cả nước giao trách nhiệm cho Thủ đô.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Hà Nội học vào chương trình GD phổ thông của Hà Nội, cụ thể giáo dục địa phương của Hà Nội phải là giáo dục Hà Nội học cho học sinh phổ thông.

"Chúng ta không chỉ dừng lại trong đào tạo giáo viên giảng dạy Hà Nội học mà hướng đến giảng dạy Hà Nội học cho học sinh phổ thông của Hà Nội; đồng thời xây dựng Hà Nội học thành bộ môn khoa học mũi nhọn để giảng dạy cho học sinh phổ thông. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phải trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo mạnh về Hà Nội học của Thủ đô”. GS.TS Phùng Hữu Phú kiến nghị: Đã đến lúc đưa Hà Nội học trở thành môn học chính của giáo dục phổ thông, Thành ủy Hà Nội cần sớm có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này; đồng thời sớm ban hành chủ trương để phát triển ngành Hà Nội học.Với vị thế là Thủ đô, tiêu biểu về mặt văn hóa, con người của cả nước nó rất cần có một cái ngành học, bao quát được những thứ giá trị tinh túy nhất không chỉ của Hà Nội, mà văn hóa con người Hà Nội tức là của đại diện của cả nước. Cái bộ môn như vậy mấy chục năm nay đã được thai nghén , đã được xây dựng, đó là bộ môn Hà Nội học. Tôi nghĩ là ở Hà Nội, cái môn giáo dục địa phương nên được khẳng định thành môn ở Hà Nội Học. Đấy chính là cái thể hiện một cách rõ ràng đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước ta và cũng là bắt kịp với lại cái xu thế phát triển của các cái nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Gần đây thế giới hướng đến giáo dục tích hợp mà phải nói là giáo dục địa phương là một cái môn có lợi thế nhất để thực hiện giáo dục tích hợp.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, TS Nguyễn Văn Phong đánh cao ý nghĩa hội thảo. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục địa phương trong chương trình phổ thông, và cho rằng: đây là cơ hội để giáo dục truyền thống, sự hiểu biết về vùng đất đang sinh sống và tình yêu Hà Nội cho học sinh. Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chú trọng nội dung giáo dục địa phương trong triển khai chương trình GDPT mới ,chú trọng đến các yếu tố thời đại, linh hoạt và mở để học sinh hiểu rõ các giá trị về văn hóa, lịch sử, thời đại của Thủ đô Hà Nội.

Đối với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, nhà trường cần chú trọng truyền tải các thông tin, kiến thức về Hà Nội học cho sinh viên, cần xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, xác định các nhóm ngành đào tạo mũi nhọn về đào tạo giáo viên cho Thủ đô; trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, xã hội và nhân văn của Hà Nội. Trong đó, Hà Nội học phải trở thành môn học mũi nhọn trong chương trình nghiên cứu và đào tạo của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính địa phương mà Hà Nội đang phải đối mặt như thách thức về đô thị hóa, dân số tăng nhanh… để từ đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn hiến, văn minh.