Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Nghị định 120 ban hành ngày 7/10/2020 về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định mỗi cơ sở giáo dục không quá 2 cấp phó. Điều này sẽ rất khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội vì một số trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia và những khu vực có số dân cư lớn (tỷ lệ trường từ 45 lớp trở lên) rất nhiều.

Vì vậy, mỗi trường chỉ đảm bảo 2 phó hiệu trưởng sẽ rất khó khăn trong quá trình tổ chức chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành trường. Do đó Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét nên chăng với những trường cấp từ 45 lớp trở lên nên để 3 phó hiệu trưởng.

Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương cũng đề nghị Chính phủ ban hành quy định về ký hợp đồng lao động trong khi chờ tuyển dụng với nhân viên làm công tác chuyên môn trong các trường học như kế toán, y tế, thư viện, thiết bị văn thư, tư vấn tâm lý...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, nghị quyết 102 ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế đã cho phép ký hợp đồng đối với giáo viên nhưng chưa có quy định ký hợp đồng với nhân viên làm công tác chuyên môn.

Hà Nội cũng đưa ra 3 kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành trung ương.

Đầu tiên là xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo ông Trần Thế Cương, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đặc biệt một số quận nội thành có nhu cầu HS lớn. Một số trường, địa bàn quá tải học sinh. Vì vậy, ông Cương kiến nghị Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành xem xét cho Hà Nội có cơ chế đặc thù tính diện tích sàn sử dụng trên một học sinh thay thế cho diện tích đất trên một học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia.

Đồng thời, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho học sinh, bố trí học sihn ở các tầng thấp và cán bộ giáo viên ở các tầng cao.

Về các Trung GDNN, GDTX cấp huyện, sau gần 7 năm sát nhập từ 3 loại hình gồm có trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp công lập thuộc cấp huyện theo Thông tư 39 năm 2015 của liên Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ nhưng đến nay chưa có quy chế tổ chức hoạt động nên gặp nhiều khó khăn, bất, cập.

Do đó, Hà Nội đề nghị bộ GD&ĐT và cùng các bộ ngành TƯ sớm ban hành thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động đối với trung tâm GDNN, trung tâm GDTX các huyện để các tỉnh thành phố, triển khai thực hiện thông suốt, hiệu quả,

Cuối cùng, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT xây dựng biểu cơ cấu, tỷ lệ giáo viên/môn học chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thống nhất trên toàn quốc.

Năm học vừa qua, Hà Nội hoàn thành công tác rà soát mạng lưới trường học trên toàn thành phố đến 2030 và định hướng đến 2045. Tính đến tháng 6/2022 toàn thành phố có 2.846 trường, 70.299 lớp, hơn 2,2 triệu học sinh, 138.090 giáo viên và hơn 72 nghìn lớp học.

Năm học 2021-2022, thành phố có 51 trường xây dựng mới, thành lập mới với tổng mức đầu tư khoảng 2885 tỷ, cải tạo sửa chữa 605 trường với tổng kinh phí hơn 5000 tỷ đồng. Bố trí 1464 tỷ đồng với nguồn ngân sách thành phố và các quận huyện thị xã mua sắm trang thiết bị

Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 65.3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chuẩn bị công tác đầu tư, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 trường liên cấp, tiên tiến hiện đại có diện tích từ 5 ha trở lên ở 5 cửa ngõ thủ đô Hà Nội.