Ngày 02/12, trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN), ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh chính thức cho phép các trường thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12-25/12 đối với lớp 1, 9, 12, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, học sinh. Trong đó, đa phần phụ huynh ủng hộ học sinh lớp 9, 12 đến trường để các em có đủ thời gian học tập, rèn luyện chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

“Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1 nhiều phụ huynh băn khoăn khi hiện chưa có vaccine để tiêm cho trẻ. Riêng vấn đề này, chúng tôi có trao đổi với Sở Y tế-cơ quan tham mưu về an toàn khi tổ chức cho học sinh đến trường thì sẽ có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn trường học theo đúng quy định khuyến cáo của Bộ Y tế. Trước hết, tình hình đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố cũng khá ổn định trong các tuần vừa qua. Thứ hai, độ phủ vaccine đối với người lớn cũng khá cao, đặc biệt giáo viên, cán bộ, nhân viên trường học 100% đều được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Do vậy, chúng tôi quyết đinh cho học sinh lớp 1 thí điểm đến trường trong đợt này”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, học sinh lớp 1 rất thiệt thòi khi trước đó ở độ tuổi lớp lá (Mầm non), các em đã phải nghỉ học phòng chống dịch Covid-19 nên khi vào lớp 1 rất bỡ ngỡ và đến thời điểm này các em vẫn chưa được đến trường, chưa gặp mặt thầy cô, bạn bè trực tiếp.

“Trước sự thiệt thòi đó chúng tôi mong muốn đưa các em trở lại trường để đảm bảo chất lượng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cũng như khắc phục những hạn chế khi học tập trên truyền hình, internet”, ông Hiếu khẳng định.

Đối với học sinh lớp 9, lớp 12 ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho rằng, việc sớm tổ chức cho các em đến trường học trực tiếp là rất cần thiết để rà soát lại kết quả dạy học trực tuyến cũng như củng cố lại kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, các trường học được chọn thí điểm cho học sinh trở lại trường là những cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như các điều kiện an toàn trường học, đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học được UBND thành phố ban hành vừa qua.

Đồng thời, rà soát lại điều kiện, tổ chức tập huấn, tổ chức trao đổi với phụ huynh học sinh để có sự thống nhất quản lý và phối hợp trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh từ nhà đến trường, từ trường về nhà cũng như đảm bảo an toàn tại trường trong thời gian 2 tuần thí điểm từ ngày 13/12-25/12.

Trước đó, sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh chính thức cho phép các trường sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12 đối với lớp 1, 9, 12 trong 2 tuần, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn việc mở cửa các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên biệt; trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ trên địa bàn.

Các cơ sở sẽ mở cửa trường theo nguyên tắc: Cơ sở giáo dục có cấp học trung học phổ thông hoạt động theo cấp độ dịch của TP. Hồ Chí Minh; Cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng. Cụ thể như sau:

Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp):

Tổ chức dạy học trực tiếp, không quá 30 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) thực hiện trên Internet.

Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình):

Tổ chức dạy học trực tiếp. Thời lượng, số lượng học sinh đi học, quy định một số hoạt động theo cấp học cụ thể như sau:

Cấp học mầm non: 100% học sinh đi học. Không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường cho học sinh mầm non.

Cấp học tiểu học, kể cả các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ:

+ Học sinh lớp 1 và 2: 100% học sinh đi học, thời lượng dạy trực tiếp 100%

+ Học sinh lớp 3, 4, 5: 100% học sinh đi học, thời lượng dạy trực tiếp 50%

Cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông, kể cả các cơ sở giáo dục đang thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên: dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 18 tiết trực tiếp), cơ sở giáo dục được thực hiện dạy học trên Internet.

Riêng đối với học sinh lớp 6, lớp 9 và lớp 12, nhà trường có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.

Trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa: được hoạt động tối đa 50% số lượng học viên tại một thời điểm.

Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao):

Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

Cấp học mầm non: 100% học sinh đi học, nhưng không tổ chức dịch vụ ăn sáng; Hạn chế một số hoạt động ngoại khóa: bơi, vẽ, võ, thể dục nhịp điệu…; Không tổ chức các hoạt động: lễ hội, sự kiện, tổ chức ăn với hình thức tự chọn (buffet); Kết hợp gửi các clip về hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tạo điều kiện cho phụ huynh hỗ trợ chăm sóc trẻ tại nhà.

Cấp học tiểu học:

+ Lớp 1 và 2: 100% học sinh đi học với thời lượng học trực tiếp 50%

+ Lớp 3, 4, 5: học trực tuyến.

Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần. Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 12 tiết trực tiếp) thực hiện dạy học trên Internet.

- Đối với học sinh lớp 6, lớp 9 và lớp 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần.

Trường trung học ở vùng dịch cấp độ 3 sẽ không tổ chức các chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa: Hoạt động tối đa 25% số lượng học viên tại một thời điểm.

Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình và giao bài cho học sinh tự học.