Đợt lũ vừa qua đã đã cuốn phăng nhiều quần áo sách vở, dụng cụ, trang thiết bị học tập và cả tài sản gia đình của học sinh miền Trung trong đó học sinh trường THPT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thấu hiểu những khó khăn của học trò khi trở lại trường, thầy Hà Văn Quý, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình ân cần động viên học trò “vượt qua trở ngại trước mắt”.

Lá thư là những lời dặn dò dung dị nhưng cũng dí dỏm với ngôn ngữ tuổi teen. Qua đó, thầy hiệu trưởng đã truyền cho học trò tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai và cả những giá trị nhân văn.

“Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!

Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!...

Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để "learn by heart" mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!”

Đó là những trích đoạn xúc động trong lá thư của thầy Quý. Thầy cũng khuyên học trò đừng chê cười bạn bè khi họ mặc đồ không đẹp sau lũ, “các em có thể dành thời gian hỏi han, bạn bè, thầy cô sau đợt lũ vừa rồi”- thầy Quý viết.

Thầy cũng dặn học trò trân quý những đồ dùng mà mình nhận được vì “đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các Bác, các O, các Chú, các Anh Chị Em, và đặc biệt từ các bạn Học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước”...

Sau ít giờ chia sẻ, lá thư đã nhận được hơn 4000 lượt like và 2000 lượt chia sẻ. Trong đợt lũ vừa qua, thầy Quý cùng các giáo viên, học sinh trong trường cũng đã tham gia cứu trợ bà con gặp hoạn nạn theo tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.