Lưu học sinh hưởng lợi từ thẻ bảo hiểm y tế

Ath Sreyneang – sinh viên người Campuchia đang theo học năm cuối, khoa Kinh tế tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tròn một năm Ath chưa thể về thăm gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên Ath xa Campuchia lâu như vậy.

“Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, sinh viên quốc tế tụi em ai cũng sợ. Thời gian dịch, em đột nhiên bị tiêu chảy, nôn ói, em sợ hãi bị COVID-19. Em xuống gặp bác sĩ ở trạm y tế của KTX, bác sĩ thăm khám và nói em không bị COVID, đường tiêu hóa có vấn đề nên uống thuốc là khỏi”.

Mỗi lần gặp phải các vấn đề về sức khỏe, tấm thẻ bảo hiểm y tế HSSV giúp Ath yên tâm phần nào. Bởi ngoài việc được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường, nếu gặp sự cố về sức khỏe phải đến bệnh viện sẽ giảm bớt áp lực về chi phí điều trị, thuốc men.

Pich Visal, sinh viên người Campuchia hiện đang học tại trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, lúc mới đến Việt Nam em từng đưa một sinh viên quốc tế khác đi bệnh viện. Bởi vậy, hơn ai hết Pich là người hiểu rõ những lợi ích mà bảo hiểm y tế mang lại.

Hồi còn học tiếng Việt ở Hà Nội, một bạn sinh viên quốc tế bị sưng chân răng phải nhập viện. Tại đây, bạn được mổ và nằm viện 2 ngày. Nhờ tham gia bảo hiểm y tế mà chi phí điều trị đã được giảm đi rất nhiều, còn thuốc men hoàn toàn miễn phí.

Ông Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, có 18 du học sinh quốc tế đang theo học tại trường chủ yếu là sinh viên Lào, Campuchia và Mông Cổ. Thời gian chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sinh viên quốc tế ngoài được hưởng hỗ trợ theo quy định như “siêu thị 0 đồng”, lương thực, thực phẩm thì còn được trợ cấp 1 triệu đồng/em.

Với bảo hiểm y tế, 100% sinh viên quốc tế tham gia và được hưởng quyền lợi tương tự như sinh viên Việt Nam.

“Khi sinh viên nhập học, các em được tổng rà soát sức khỏe ban đầu. Nhà trường ký hợp đồng với Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cách trường 2 km. Nếu lưu học sinh, sinh viên nhà trường có vấn đề về sức khỏe sẽ lập tức được chuyển đến bệnh viện chăm sóc”, ông Cường cho biết.

Bên cạnh đó, trạm y tế đặt trong khu ký túc xá sinh viên với nhân sự gồm 1 bác sĩ, 2 y sĩ và 1 nhân viên hỗ trợ thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho sinh viên.

Khi dịch COVID-19 xuất hiện, quỹ bảo hiểm y tế đã được trích ra để mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, các loại thuốc hỗ trợ phòng chống COVID-19.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 30 sinh viên quốc tế đang theo học. Hằng năm, số sinh viên quốc tế diện trao đổi khoảng 60-70 em nhưng năm nay do dịch COVID-19, số lượng sinh viên quốc tế diện này giảm mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên cho biết, với phòng khám đa khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường có nhiều thuận lợi trong chăm sóc sức khỏe cho sinh viên quốc tế.

Nhiều kênh truyền thông về bảo hiểm y tế trong trường đại học

Trường ĐH Hà Nội có số lượng sinh viên quốc tế đông đảo với khoảng 400 lưu học sinh ở thời điểm hiện tại. Trước dịch, mỗi năm trường có khoảng 700 sinh viên quốc tế, cao điểm có khoảng 1000 sinh viên nước ngoài từ 27-28 quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế trường Đại học Hà Nội cho biết, sinh viên quốc tế đang học tập tại trường theo diện hiệp định được mua BHYT như sinh viên Việt Nam nên rất thuận lợi trong công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, sinh viên quốc tế đang học tập tại trường thuộc diện tự túc theo quy định chỉ có thể mua được gói bảo hiểm quốc tế của các công ty bảo hiểm. Với lưu học sinh tự do, nhà trường khuyến khích các em mua bảo hiểm. Đồng thời làm việc với các công ty bảo hiểm để tìm ra gói phù hợp cho các em.

Với các sinh viên quốc tế tại trường Đại học Hà Nội, nhà trường tuyên truyền đến từng lớp học, từng giảng viên về lợi tích của bảo hiểm y tế. Bà Nhài đánh giá đây là kênh truyền thông hiệu quả nhất bởi các lớp học chỉ có 25-30 sinh viên nên lưu học sinh được dễ dàng trao đổi các vấn đề khúc mắc với giảng viên của mình.

Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế luôn đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Bình cho biết chưa đạt 100% vì một số sinh viên năm cuối, sinh viên nghỉ bảo lưu, sinh viên thôi học nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế có biến động.

Để khuyến khích sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, ngay từ đầu năm học trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tuyên truyền nhắc nhở sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong những tuần học sinh viên, gửi pano, áp-phích qua e-mail. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu về luật bảo hiểm y tế để các em thấy tham gia bảo hiểm y tế vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của sinh viên.