Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận một bệnh nhi 14 tháng tuổi bị tai nạn vỡ tim, dập phổi nguy kịch. Nguyên nhân là bé được người thân cho ngồi phía trước vô lăng ô tô để đưa đi dạo. Trong quá trình lái xe, tài xế vô tình đạp nhầm chân ga và chân phanh, xe đâm thẳng vào bờ tường khiến trẻ bị va đập mạnh, lồng ngực bị ép vào vô lăng cứng.

Ở nước ta, rất nhiều phụ huynh khi lái xe thường cho con ngồi ở hàng ghế trước, thậm chí còn cho trẻ ngồi vào lòng khi lái xe. Bố mẹ thường nghĩ, mình chủ động lái chậm và an toàn nên “Không sao” nhưng không lường trước sự cố luôn xảy ra bất ngờ.

Theo chuyên gia giao thông TS. Khương Kim Tạo, đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm do không hiểu biết về mặt kỹ thuật đảm bảo an toàn cho con người. "Cả thế giới đã cấm trẻ em ngồi ghế trước các loại ô tô. Đưa các cháu lên ngồi cùng với bố mẹ ở hàng ghế trước, thậm chí có cháu còn ngồi nghịch trên taplo xe ô tô, cái đấy là vi phạm pháp luật, gây mất an toàn đối với cháu.", TS Khương Kim Tạo cho biết.

Lý giải về điều này, TS. Khương Kim Tạo cho rằng vị trí ghế trước thường phải chịu nhiều lực tác động hơn khi va chạm giao thông xảy ra. Hơn nữa, khi có va chạm túi khí sẽ được kích hoạt, đối với người lớn túi khí sẽ có tác dụng giảm chấn, bảo vệ rất tốt, còn với trẻ nhỏ, túi khí đôi khi lại có tác dụng ngược, gây nguy hiểm như chính vụ tai nạn.

"Khi các cháu ngồi phía trước khi ô tô phanh các cháu dễ bị văng ra ngoài. Thậm chí cái kính phía trước bị vỡ, dồn mạnh quá, xe đâm vào cây hay bức tường người sẽ văng lên và khi đó lọt qua phía trước ra ngoài rất nguy hiểm. Thông thường người ngồi ghế đầu sang chấn khi mà va chạm lớn hơn người phía sau. Chính vì thế người ta yêu cầu không cho trẻ em ngồi phía trước.", ông Tạo nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho trẻ ngồi hàng ghế phía trước của xe ô tô, ngoài yếu tố về kỹ thuật đảm bảo an toàn ra còn nguy hiểm ở chỗ trẻ em vốn tò mò và nghịch ngợm, dễ khiến người lái bị xao nhãng, phát sinh những tình huống bất ngờ: "Khi trẻ khóc các bậc cha mẹ thường có tâm lý là nhấc trẻ ra khỏi ghế đó để vỗ về trong 2 phút, 3 phút, 5 phút để cho trẻ không khóc nữa. Điều đó nghe có thể rất là có lý nhưng thực tế đây là sai lầm rất nguy hiểm."

Theo các chuyên gia giao thông, ví trị giữa của hàng ghế phía sau là an toàn nhất trên xe ô tô dành cho trẻ nhỏ. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên có ghế chuyên dụng và được lắp ngược với hướng xe di chuyển. Vì với những ghế hướng ra phía trước có mức độ rủi ro gặp chấn thương nặng hoặc tử vong cao gấp 5 lần so với những ghế hướng ra đuôi xe.

Ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh thêm: "Khi không thắt dây bảo hiểm và không có ghế phù hợp cho trẻ em thì không có vị trí nào an toàn cả. Với trẻ em thì tùy thuộc vào cân nặng và chiều cao chúng ta cần có ghế bảo vệ phù hợp. Tuy nhiên khi chúng ta có ghế, thắt dây an toàn đầy đủ rồi thì về nguyên tắc là những cái ghế phía sau được khuyến cáo là an toàn hơn ghế phía trước."

Sử dụng tính năng khóa cửa “lock” của xe; Thông báo cho các phương tiện khác trong xe đang có trẻ nhỏ bằng cách dán nhãn “Baby in car” hay "Có trẻ em ở trên xe”; Chuẩn bị cho trẻ thật tốt, đầy đủ trước mỗi chuyến đi; Luôn luôn để ý tới trẻ và tuyệt đối không để trẻ một mình trong xe quá kín trong trời quá nóng hoặc quá lạnh; Nếu có sự việc gì cần giải quyết, người lái nên chọn vị trí an toàn dừng lại sau đó xử lý ví dụ trẻ em khóc, trẻ em đói... Các bậc cha mẹ cũng nên giữ chìa khóa cẩn thận để làm sao tránh trẻ tiếp xúc và có thể là gây những tai nạn khi khởi động xe...

Xã hội đang ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều gia đình sở hữu xe ô tô cá nhân. Trang bị những kỹ năng, kiến thức khi chở trẻ nhỏ là điều bắt buộc để giúp những chuyến đi luôn được an toàn.