Ngày 26/3, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP) đã được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc).

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường từ các cấp học. Lấy học sinh là trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên là động lực, đổi mới cách nghĩ cách làm, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng. Thủ tướng khẳng định, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo; có nhiều chủ trương , cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp,100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.

Tuy nhiên, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi qua 3 lần tổ chức, Ngày hội Khởi nghiệp đã thu hút ngày càng đông đảo học sinh, sinh viên tham gia với nhiều dự án chất lượng ở các lĩnh vực, ngành nghề. Phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa; 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các lớp kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; hình thành các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án ngày càng tăng, Trong 4 năm tổ chức đã thu hút được hơn 1.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại.

Để phong trào khởi nghiệp phát triển cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng cho rằng phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị chứ không phải nhiệm vụ của một bộ, ban, ngành nào.

Phải đẩy mạnh truyền thống, tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy và hành động. Phải thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục nói chung, hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường ĐH, CĐ nói riêng.

"Nhà trường và các thầy cô phải truyền cảm hứng, truyền lửa để HSSV xác định rõ mục tiêu, mục đích học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế, thay đổi cuộc sống khi ra trường. Đồng thời khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, có những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa, áp dụng vào thực tế, hình thành doanh nghiệp khỏi nghiệp tạo giá trị cộng đồng, xã hội và cho chính bản thân gia đình mình”.

6 nội dung thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ, Thủ tướng lưu ý 6 nội dung sau:

Một là, tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Truyền thống dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành. “Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, phát huy tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài”.

Thủ tướng cho rằng cần sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Đồng thời, “Phải biết chấp nhận rủi ro. Đổi mới sáng tạo nhiều rủi ro nhưng rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm. Con người muốn đổi mới sáng tạo mới phải chấp nhận rủi ro”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hai là, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tập trung đào tạo, ươm mầm tài năng, hình thành nguồn nhân lực công nghệ vững chắc, làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Ba là, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, ưu đãi, bố trí nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng phẩm chất đạo đức con người, thế hệ trẻ Việt Nam, đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường từ các cấp học. Lấy học sinh là trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên là động lực, đổi mới cách nghĩ cách làm, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng. Trong đó lý thuyết gắn chặt thực hành, thực tiễn. Đổi mới tư duy từ đổi mới kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khởi nghiệp và khả năng sáng tạo cho HSSV.

Bốn là, tạo môi trường thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu bổ sung hoàn thiện thể chế, có các chính sách chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia hoạt động sáng tạo khởi nghiệp. Đồng thời thúc đẩy hoạt động thương mại hóa, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường của giảng viên, sinh viên.

Thủ tướng mong muốn các bộ ngành nghiên cứu đầu ra và có cơ chế hính sách tìm đầu ra cho sản phẩm đổi mới sáng tạo. “Đổi mới sáng tạo mà không ra sản phẩm, không được thương mại hóa thì không truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực”.

Thủ tướng cũng cho rằng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong trường học, ngay khi tốt nghiệp THPT. Đẩy mạnh kết nối Nhà nước-nhà trường-nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thu hút không chỉ nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, cá nhân, cộng đồng.

Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý quy định về hướng nghiệp khởi nghiệp; đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp.

Bộ Kế hoạch đầu tư nghiên cứu hỗ trợ Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH phát triển các chương trình, hoạt động ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo hình thành các Quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế. Chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp vào hoạt động dạy và học. Tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực hợp lý đối với các hoạt động khởi nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học ở nước ta.

Bộ Khoa học Công nghệ có giải pháp kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp Quốc gia. Phát triển mạng lưới kết nối tri thức và đổi mới sáng tạo toàn quốc, thu hút sự tham gia và tích cực khai thác nguồn tài nguyên vô tận của trí tuệ con người Việt Nam.

Sáu là, Các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng xanh và bền vững.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chính Minh có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Xây dựng giải pháp hỗ trợ tài năng trẻ trong khởi nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn./.