Năm học 2021-2022, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kế hoạch năm học có lúc bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Trước khó khăn do dịch bệnh, ngành giáo dục chủ động, linh thực hiện đồng bộ cách giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, củng cố và duy trì đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó chỉ đạo, hướng dẫn tinh giản chương trình, cung cấp nguồn học liệu điện tử hỗ trợ dạy học trực tuyến…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học 2021-2022 ngành giáo dục chủ động chuẩn bị các điều kiện để dạy học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì việc tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phấn đấu để khắc phục khó khăn tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học đáp ứng yêu cầu đối với sự đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

“Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn cần phải được tiếp tục được nâng lên. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đảm bảo nghiêm túc, an toàn…”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến nay kho học liệu số igiaoduc.vn đã tiếp nhận 41.670 bài giảng, trong đó có 26.374 bài giảng E-learning và 15.296 video bài giảng. Trong đó, số bài giảng thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chiếm tỷ lệ 37%.

Trước những tác động của dịch Covid-19 tới hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-1910, nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các trường tiểu học tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.

Tính đến nay, đã có 349 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn với số tiền 28,585 tỷ đồng và đã có 17.306 học sinh, sinh viên được vay với tổng số tiền là 237,715 tỷ đồng để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng kết quả xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS47, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. So với các năm trước, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE; có 5 Trường nằm trong Bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); Có thêm 2 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings và 10 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng Webometrics…

Đặc biệt, năm học 2021-2022, học sinh Việt Nam tiếp tục đạt thành tích cao tại các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế khi có 37/39 học sinh đạt giải với 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng; 5 Bằng khen…

Về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2021-2022 tiếp tục triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2, lớp 6. Đồng thời tổ chức thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Liên quan đến môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe những ý kiến phân tích về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử. Bộ GD-ĐT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn Thông tư sửa đổi, bổ sung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng giữ nguyên định hướng đổi mới, kiên trì việc phân luồng theo định hướng nghề nghiệp; Đồng thời có sự điều chỉnh chương trình môn Lịch sử cho phù hợp hơn.

Theo đó môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn; trong đó, giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập Lịch sử 35 tiết/năm học; chuyển môn Lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần Lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học; giảm số môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp còn 4 môn học.