PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông, nguyên Giảng viên cao cấp Trường ĐHKHXH&NV cho rằng SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều “không thể sửa được”.

Những cái không cơ bản mới có thể sửa chữa, còn một cuốn sách sai cơ bản giống ngôi nhà hỏng từ nền móng đến mái nếu có sửa thì chỉ ngày càng chắp vá.

Sai cơ bản ở đây là dạy Tiếng Việt nhưng không làm cho các em thấy được cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt. Ngữ liệu đưa vào có rất nhiều những truyện ngụ ngôn phóng tác chứ không phải nguyên gốc. “Tiếp thu tinh hoa của thế giới phải tuỳ lúc, tuỳ chỗ chứ ko phải cái gì ở thế giới chúng ta đưa vào 1 cách sống sượng, gượng ép thậm chí là sai”- PGS Hữu Đạt nói.

Ngay cả bộ sách lớp 2 cũng nên dừng lại, phải tận dụng ý kiến đóng góp của các nhà khoa học tâm huyết để xem xét lại toàn bộ kẻo hao tổn rất nhiều tiền của Nhà nước, nhân dân mà không đạt kết quả mong muốn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng, nhìn vào lịch sử những lần đổi mới giáo dục từ năm 1979 đến nay lần nào cũng có vấn đề. Dẫn chứng lần đổi mới năm 1981, cải cách chữ viết tiếng Việt với kiểu chữ mất nét đã làm hỏng chữ của bao nhiêu thế hệ. “Nếu ta tiếp tục làm cách này sẽ dẫn đến thảm hoạ là 40 năm nữa chưa có đổi mới thực sự hay nói cách khác gần nửa thế kỷ chưa có bộ SGK như mong muốn”.

Nguyên nhân là cách đổi mới, cách làm sách không theo khoa học. Nếu như muốn biên soạn bộ SGK hoàn chỉnh trước hết phải có hệ thống nhưng đây ta làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, cứ làm chỗ nọ phá vỡ hệ thống chỗ kia.

Nếu nói đến SGK chúng ta phải nhắc đến 5 cường quốc lớn: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức mỗi nước có một hệ thống riêng và chúng ta phải tham khảo họ. Nhưng trên thực tế, chúng ta tham khảo mỗi nơi một tý áp dụng vào chương trình giáo dục kiểu chắp vá. Vì vậy sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị gò theo không thành hệ thống.

Nên dũng cảm dừng đưa vào sử dụng những bộ SGK này thậm chí phải lùi thời gian triển khai ngay bây giờ và cả năm học tới - PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt nêu quan điểm.

Cùng chung quan điểm nên dừng sử dụng SGK mới để thẩm định lại toàn bộ, GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng dù có chỉnh sửa “tốt nhất đưa vào thư viện làm sách tham khảo”.

GS Hãn trăn trở “Muốn đổi mới chương trình và SGK chuẩn phải thay đổi gốc tư duy. Từ 1980 đến nay Việt Nam vẫn chưa làm được chương trình, bộ SGK theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp. Tiền chỉ là một phần để đổi mới còn cái cần nhất là thay đổi về con người và tổ chức”.

“Cách làm chương trình-SGK theo kiểu cắt khúc, cuốn chiếu, với lối tư duy lạc hậu và tùy tiện đã phá vỡ tổng thể khoa học. Càng làm càng sai, càng tốn tiền và giáo dục ngày càng méo mó, bất ổn triền miên”-GS Hãn nói.

Được biết tới đây sau khi rà soát lại bộ SGK Cánh diều, bản chỉnh sửa sẽ được phát miễn phí cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải quyết định cuối cùng liên quan đến các bộ SGK mới.