Thực tế những năm qua, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa cao là do nhận thức của nhiều người, từ phụ huynh đến chính các em HSSV còn chưa đầy đủ. Ngay chính các nhà trường cũng chưa tạo được niềm tin để động viên, khuyến khích các em tham gia. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV ở nhiều nơi vẫn chưa được thực hiện tốt.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do hệ thống y tế ở trường học, cơ sở giáo dục ở nhiều địa phương hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay có tới 25% số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học, với các trường đã có nhân viên y tế thì trình độ chuyên môn đảm bảo theo quy định cũng chỉ đạt khoảng 30%...

Nguyên nhân nữa là hầu hết nhân viên y tế trường học chưa có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của nghị định 176 của Chính phủ. Chính vì điều này mà từ năm 2019 đến nay, hầu hết các trường không được hưởng kinh phí cấp lại từ Quỹ BHYT, bởi theo quy định, chỉ những trường có nhân viên y tế đạt chuẩn và có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của Chính phủ mới được hưởng Quỹ trích lại từ Quỹ BHYT. Chính điều này đã dẫn đến quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trong nhà trường cho HSSV chưa được đảm bảo.

Để đạt 100% HSSV tham gia BHYT, các ngành các cấp cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Trước hết là về cơ chế chính sách, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Y tế để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế trong trường học. Qua đó góp phần nâng cao công tác tuyên truyền, đặc biệt là tạo động lực, niềm tin của phụ huynh cũng như học sinh sẵn sàng tự nguyện tham gia BHYT.

Bên phía ngành giáo dục cũng cần hỗ trợ kể cả các nguồn lực liên quan từ phía BHXH Việt Nam để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp mà ngành giáo dục đã quy định làm sao tỷ lệ HSSV đóng BHYT là cao nhất. Từ đây kết hợp kiểm tra về công tác y tế trường học, kiểm tra về công tác HSSV trong nhà trường, ở từng địa phương.

Mới đây, BHXH đề xuất kiến nghị với Chính phủ nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50%. Các địa phương cũng kiến nghị để có cơ chế chi thường xuyên từ ngân sách nhằm tăng mức hỗ trợ cho học sinh sinh viên nghèo trên địa bàn đóng BHYT.