Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thầy trò trên cả nước mới được tận hưởng niềm vui trọn vẹn khi có một không gian, khung trời bình yên tổ chức lễ khai giảng. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, năm học mới càng có ý nghĩa với học sinh tên cả nước khi đánh dấu chặng đường khá vất vả trong công tác phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, cho thấy nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân.

Năm học mới bắt đầu, làm công tác quản lý giáo dục, thầy Huỳnh Thanh Phú cũng nêu lên nhiều trăn trở.

Có giáo viên tranh thủ hết giờ là chạy Grab

Theo thầy Phú, hiện nay lương không thay đổi nhưng vật giá bên ngoài đang tăng nhiều làm đời sống người thầy khó khăn hơn, người thầy phải mưu sinh bằng nghề tay trái. Do đó, sự toàn tâm cho công tác giáo dục có phần không trọn vẹn.

Từ khi bỏ hộ khẩu, nhiều bạn trẻ ở các vùng miền khác đăng ký xét tuyển viên chức vào các trường ở trung tâm TP.HCM. Nguồn lương mới ra trường của họ chỉ 3-4 triệu/tháng là không đủ để trang trải các khoản tiền nhà trọ, ma chay, hiếu hỉ. Trong khi đó, giáo viên không được phép dạy thêm nên nhiều thầy cô chạy Grab, bán hàng online, làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn.

“Tôi biết có thầy làm thêm đến 10h tối mới về, có thầy tranh thủ hết giờ là chạy Grab. Vậy quỹ thời gian soạn bài, thẩm thấu, nghiên cứu chắc chắn không nhiều. Một điều xót xa trong trường tôi nhiều thầy cô trên 35 tuổi chưa có gia đình, cho thấy nguồn kinh tế quyết định tất cả”, thầy Phú trăn trở.

Mong muốn nguồn ngân sách khám sức khỏe cho giáo viên hậu COVID-19

Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe của các thầy cô sau đại dịch. Trong đại dịch trường THPT Nguyễn Du có 70% giáo viên nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến nặng nhưng hậu COVID là vấn đề gây lo lắng. Thầy Phú cho rằng, khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho thầy cô hiện nay vài, ba, bốn trăm ngàn không thể gọi là khám sức khỏe được.

“Tôi mong rằng bộ GD-ĐT tham mưu cho Bộ tài chính, Chính phủ làm sao có nguồn ngân sách khám sức khỏe cho thầy cô nhiều hơn. Ví dụ khoảng 1.5 triệu trở lên để khám sâu hơn, phát hiện, kịp thời chữa bệnh. Việc làm này nhân văn làm người thầy an tâm, an ổn về sức khỏe và thấy sự động viên lớn”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bộn bề

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu triển khai từ lớp 10. Thầy Phú nhận xét, chương trình giáo dục phổ thông 2018 khác biệt so với chương trình cũ. Do vậy, ở thời điểm này mỗi thầy cô cùng một lúc cùng tải 2 chương trình – một chương trình cũ và một chương trình mới.

“Nếu không có sự rạch ròi sẽ có sự giao thoa, cả cái cũ và cái mới đều không trọn vẹn làm cho người thầy gặp không ít khó khăn”.

Thầy Phú phân tích, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Quốc hội thông qua, chương trình rất hay nếu được chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để vận hành. Tuy nhiên, thực hiện chương trình hiện nay, chúng ta còn khuyết về nhân sự.

Ở khối THPT, chúng ta thiếu nhân sự được đào tạo để tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương, các môn nghệ thuật.

Sau khi học sinh lựa chọn tổ hợp, có những môn học không được lựa chọn dẫn đến tình trạng “dư” giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, nếu các năm sau tiếp tục “dư” thì môn học đó sẽ bị triệt tiêu. Vậy, những thầy cô của môn đó sẽ đi đâu về đâu, làm gì?

Thầy Phú cho biết, để giải quyết tình trạng này nhiều cơ sở giáo dục đang áp dụng hình thức phân công để kiêm nhiệm.

“Chẳng hạn một người dạy môn công nghệ có thể chuyển qua hoạt động hoạt động hướng nghiệp hoặc giáo dục địa phương. Tuy nhiên, hướng nghiệp và giáo dục địa phương là hoạt động chứ không phải môn học. Trong khi đó giáo viên không được đào tạo bài bản ở trường đại học để tổ chức các hoạt động này, đây cũng không phải chuyên môn của họ. Vậy bằng cấp của giáo viên đó có còn tương xứng? Tính lương thế nào?”, thầy Phú băn khoăn.

Đối với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hướng nghiệp, đòi hỏi học sinh sẽ đi rất nhiều, làm nhiều, luôn học hỏi những điều mới mẻ.

Hoạt động này khi áp dụng tại 63 tỉnh thành, đòi hỏi từng cơ sở giáo dục phải biến đổi để học sinh có những tháng ngày thực sự trải nghiệm, sáng tạo, hình thành kỹ năng phẩm chất người học. Muốn vậy, nguồn ngân sách sẽ không ít. Chúng ta sẽ lấy đâu ra nếu như không xã hội hóa? Thầy Phú cho rằng, nếu như ngân sách “rót” không đầy đủ thì hoạt động sẽ vẫn chỉ nằm trong sách và đưa vào giảng dạy như một môn học chứ không phải là hoạt động.

Giảm áp lực về hồ sơ sổ sách

“Tôi mong các nhà quản lý hãy nhẹ nhàng, hiểu và thương thầy cô để chúng ta làm giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách chứ đừng coi đó là tiêu chí thi đua, làm tăng áp lực cho giáo viên”, thầy Phú nêu ý kiến.

Hiện, đã có nhiều chỉ đạo để giảm tải hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Tuy nhiên, thầy cô vẫn vừa chấm điểm, vừa viết lời phê cho từng em. “Mỗi thầy cô dạy 1 tiết, một môn dạy 17 tiết, có 17 lớp, mỗi lớp 45 em. Chúng ta nhân lên 700-800 em, phê bao giờ mới hết?

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa ngành giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để thầy cô giảm bớt gánh nặng. Việc số hóa phải đi vào thực chất trong từng đơn vị trường học.

Bộ Giáo dục Nhật Bản lên kế hoạch sử dụng sách giáo khoa trên nền tảng kỹ thuật số bắt đầu từ năm 2024. Học sinh chỉ cần một chiếc Smartphone là có thể truy cập vào thư viện thông minh, phòng thí nghiệm hiện đại. Theo thầy Phú, chúng ta cũng cần phải hướng học sinh cấp 3 học tập, sưu tầm tài liệu qua internet, thầy cô làm việc trên internet, thậm chí các cuộc họp cũng tổ chức trực tuyến để giảm điện, nước, xe cộ và đạt hiệu quả cao.

“Đội ngũ tri thức cần trở lại cống hiến. Quan trọng chúng ta không phải giữ chân người thầy mà giữ trái tim người thầy. Tôi tin rằng dù khó khăn nhưng thầy cô nghĩ tới thế hệ trẻ sẽ có sức mạnh đồng hành với lãnh đạo nhà trường, ngành giáo dục thực hiện thành công năm học mới với nhiều thay đổi, làm cho giáo dục của chúng ta đi lên”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ./.