10 năm tới, 50% sinh viên sẽ học trực tuyến

Tại Diễn đàn Giáo dục và triển lãm học đường 4.0, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch hiệp hội Internet Việt Nam đưa ra dự báo, trong vòng 10 năm tới, 50% sinh viên sẽ tham gia học trực tuyến. Con số này theo ông là không quá tham vọng khi chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ứng phó với đại dịch Covid-19.

“Giai đoạn Covid-19 vừa rồi là thời điểm mà không chỉ lĩnh vực giáo dục mà tất cả lĩnh vực khác được thử nghiệm thích ứng với CNTT. Trong thời gian đó, 80% học sinh-sinh viên tham gia học trực tuyến. Đây như một bài học để tất cả các lĩnh vực vượt qua cái ngưỡng của sự do dự khi ứng dụng CNTT” - Ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.

Thực tế, E-learning (Giáo dục trực tuyến) vào nước ta từ giữa những năm 2000 và đã thực sự phát triển từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, giáo dục kết hợp công nghệ (Edtech) của nước ta thời điểm hiện tại mới tương đương với thương mại điện tử cách đây 10 năm.

Trong khi đó thị trường Edtech hiện nay là rất tiềm năng khi dự báo thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam có thể đạt 3 tỷ USD vào năm 2023.

Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường có tốc độ phát triển học trực tuyến nhanh nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% năm 2018. Bên cạnh đó, hơn 90% (của 24 triệu) học sinh, sinh viên nước ta sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập... “Có thể xem là cơ hội đã đến. Là thời gian chuẩn bị trước khi mọi thứ chuyển động một cách chóng mặt” – Ông Vũ Hoàng Liên nêu quan điểm.

Sẽ có mạng xã hội giáo dục

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, Chương trình đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng như ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập, đánh giá, số hóa tài liệu, giáo trình…

Ngoài ra sẽ phải xây dựng các nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy-học tập. Thử nghiệm cho phép học sinh-sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình…

Bàn về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, ông Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục không đơn giản là coppy một bài giảng, quay một video đưa lên mạng. Đây chỉ là bước đầu tiên trong 3 bước: Số hóa tài liệu, số hóa quy trình nghiệp vụ và số hóa cả một tổ chức, tạo ra giá trị - mô hình mới.

Khi chuyển đổi số trong giáo dục chuyển sang bước thứ 3 sẽ hình thành những trường đại học ảo. Không còn khái niệm trường, không còn khái niệm về lớp truyền thống. Thầy cũng “ảo”, học sinh cũng ở khắp nơi và đây là mô hình dạy học mới mà chỉ có chuyển đổi số mới làm được điều đó.

Ông Tô Hồng Nam cũng khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục sẽ lấy người học làm trung tâm. Giảm áp lực truyền thụ kiến thức mà tập trung hướng đến dạy kỹ năng, năng lực tự học cho người học.

“Hầu hết các kiến thức đều có trên Internet. Vấn đề của người thầy bây giờ phải là truyền cảm hứng cho học sinh, hướng dẫn học sinh, phát huy khả năng tự học của học sinh… Từ đó hình thành xã hội học tập. Đây sẽ là bước phát triển lớn của giáo dục và giải phóng cho người thầy” – Ông Nam cho biết.

Hiện Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh chuyển số và tập trung vào 2 mảng chỉnh là quản lý giáo dục, ứng dụng công nghệ trong việc dạy, kiểm tra-đánh giá và nghiên cứu khoa học.

Tập trung xây dựng kho học liệu số dùng chung kèm theo đó là ứng dụng công nghệ để dạy học như LMS, Thực tế ảo AI… “Chúng tôi sẽ triển khai một mạng xã hội về giáo dục. Mạng xã hội này thì tất cả các thông tin đưa lên đều phải được định danh. Nó không giống như các mạng xã hội như facebook, ở đó sẽ có sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Có sự kiểm soát định hướng tránh việc dùng các mạng tràn lan như hiện nay.”- Ông Tô Hồng Nam cho biết.

Tuy nhiên, ông Tô Hồng Nam cũng cho rẳng, để đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực giáo dục cần giải quyết bài toán về hạ tầng, hành lang pháp lý và cả nhận thức của đông đảo đội ngũ cán bộ giáo viên.

"Khi ứng dụng CNTT vào giảng dạy thì giáo viên có thể cá thể hóa từng học sinh, coi đây là một khách hàng mà chúng ta cần phải chăm sóc đặc biệt. Chúng ta có những dữ liệu về học sinh, ví dụ, học sinh yếu môn nào? kiến thức bị hổng ở đâu để từ đó giáo viên có những phương pháp truyền thụ kiến thức phù hợp với từng học sinh"

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT)

"Sự phát triển của công nghệ dù đến đâu thì nó cũng không thể thay thế hết được những phương pháp truyền thống. Nhưng nó sẽ là công cụ hỗ trợ để việc học và việc dạy trở nên đơn giản hơn".

Ông Phạm Minh Toàn, TGĐ kiêm Đồng sáng lập Open Classroom Team

"Mối quan hệ giữa thầy và trò trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn phải là tôn sư trọng đạo theo truyền thống. Tuy nhiên, các nhà trường phải phát triển từ nhà trường kỹ thuật số đến nhà trường thông minh".

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT