Dự án có tên Caso được xây dựng và phát triển bởi các sinh viên liên khoa Kinh tế - Công nghệ thông tin của Trường Đại học Mở Hà Nội gồm Nguyễn Ngọc Ánh, Trần Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Thìn (Khoa Kinh tế), Nguyễn Văn Bảo, Đào Văn Tuyến (Khoa Công nghệ Thông tin).

Ý tưởng phát triển một ứng dụng dành cho người cao tuổi xuất hiện tình cờ, trong một lần bàn bạc của cả nhóm. Trần Thị Thanh Thủy – thành viên của nhóm cho biết, tại gia đình em, ông bà muốn liên lạc với con cháu ở xa nhưng sức khỏe yếu, mắt kém, tay run lại gặp nhiều cản trở khi sử dụng công nghệ. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo AI có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề mà người cao tuổi đang gặp phải. AI có thể nhận biết giọng nói, giúp người cao tuổi các giảm thao tác trên điện thoại di động. Đồng thời, có thể tương tác giúp họ kết nối tốt hơn với con cháu trong gia đình.

Từ thực tế đó, các thành viên trong nhóm đã lập tức bắt tay vào công cuộc khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, thói quen sử dụng điện thoại của người già trên điện thoại. Với những câu hỏi như "Ông bà gặp khó khăn gì khi sử dụng điện thoại", "Ông bà thường kết nối với con cháu bằng cách nào", "Tính năng nào ông bà muốn có trên điện thoại"? Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm đã nhận được câu trả lời của hơn 1.500 người cao tuổi. Đây cũng là các cơ sở xây dựng tính năng của app.

"Chỉ có năm người, lại phải khảo sát trong thời gian ngắn nên nhóm đã phải nhờ đến sự trợ giúp của câu lạc bộ khởi nghiệp, học thuật và các bạn sinh viên trong khoa. Các bạn đã đến gặp trực tiếp ông bà mình để hỏi giúp chúng em" - các thành viên trong nhóm chia sẻ.

App Caso tương tự như một “trợ lý ảo” dành cho người cao tuổi với 4 phần là kết nối, hỗ trợ, giải trí và mua sắm.

Theo Nguyễn Thị Thìn – thành viên xây dựng app Caso, những người cao tuổi có chung sở thích thông qua app có thể kết nối để chơi cờ. Nếu có chung sở thích về âm nhạc, họ cũng có thể giao tiếp với nhau qua kết nối cộng đồng. Con cháu có thể nói chuyện với ông bà thông qua tính năng tương tự web chat. Ông bà có thể nắm bắt tình hình học tập, làm việc của con cháu qua app. Đây là điểm nổi bật để gắn kết con cháu trong gia đình với ông bà nhiều hơn.

Caso cũng tích hợp tính năng hỗ trợ ông bà đặt lịch khám ở các bệnh viện, theo dõi hồ sơ bệnh án điện tử trên app. Ứng dụng này còn hỗ trợ nhắc nhở ông bà lịch uống thuốc theo các đơn được kê từ hồ sơ bệnh án. Con cháu cũng có thể tự đặt lời nhắc nhở hay lời chúc bằng giọng nói trực tiếp của mình.

Ngoài ra, trong tình huống khẩn cấp, app cũng giúp đỡ người cao tuổi gọi một lần được tất cả thành viên trong gia đình hoặc gọi đến trung tâm y tế, cấp cứu gần nhất.

Tháng 7-2020, khi bắt tay triển khai dự án này, đã có rất nhiều đắn đo, thậm chí tranh cãi giữa các thành viên nhóm về tính khả thi của app, bởi người cao tuổi thường gặp nhiều cản trở khi sử dụng công nghệ. Nhưng cũng nhờ những tranh luận đó mà nhóm đã cải tiến tính năng app để người cao tuổi dễ dàng sử dụng.

Khi thiết kế app này, chúng em đã khảo sát mong muốn của người cao tuổi để thiết kế giao diện phù hợp. Để giảm thao tác trên app, người cao tuổi chỉ cần bấm và nói, Caso sẽ tìm "từ khóa" để thao tác các “lệnh” của ông bà, giúp thuận tiện hơn trong việc sử dụng điện thoại.

Ví dụ, khi mở app ra, màn hình hiện giao diện chính, ông bà chỉ cần gọi "Caso, gọi cho cháu Thủy" là app sẽ tự động gọi cho em chứ không cần thao tác. Trần Thị Thanh Thủy, thành viên nhóm cho biết.

Khác với những ứng dụng “trợ lý ảo” đã ra mắt trước đây, Caso không chỉ nghe và thực hiện các "lệnh" mà còn có thể tương tác lại với người cao tuổi, đưa ra gợi nhắc và đề nghị trợ giúp nếu cần.

Nói về start up này, Nguyễn Thị Thìn rất tự tin với mảng công nghệ của nhóm vì 2 thành viên khoa Công nghệ thông tin dù là sinh viên năm cuối nhưng đã đi làm và từng có những dự án riêng về công nghệ. Trong đó, sinh viên Nguyễn Văn Bảo – thành viên của nhóm là người giành Giải Nhất Phần mềm mã nguồn mở tại kỳ Olympic Tin học toàn quốc năm 2020.

Với dự án Kết nối và hỗ trợ người cao tuổi app Caso (Connect And Support Olders), nhóm sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội đã giành giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV-STARTUP 2020) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Ngay sau khi giành được giải nhì Cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020, ứng dụng Caso đã lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư. Nhóm sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội hào hứng: “Sau cuộc thi một thành viên trong ban giám khảo đã ngỏ ý đầu tư và chúng em đang chờ đề nghị chính thức. Chúng em mong muốn app Caso sẽ nhận được sự sự quan tâm của các nhà đầu tư. Với sự đầu tư ứng dụng sẽ chỉnh sửa hợp với nhu cầu đa số người dùng và đẩy lên “chợ” ứng dụng".

Theo các thành viên nhóm phát triển ứng dụng Caso, các kiến thức học xong để đó thì rất lãng phí, kiến thức cần phải được ứng dụng trong thực tế, giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Hiện tại, có rất nhiều nguồn hỗ trợ khởi nghiệp từ Nhà nước, trường học và các tổ chức xã hội. Chỉ cần bạn có ý tưởng, chủ động tìm sự giúp đỡ, luôn luôn học hỏi để ý tưởng khả thi hơn, chắc chắn dự án khởi nghiệp của bạn sẽ nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía.