Vụ “cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng”, tranh luận chưa có hồi kết

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) là người nêu ra vấn đề “đúng-sai” về thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi ra quyết định cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh. “Xin hỏi Phó Thủ tướng Chính phủ cách chức như vậy có đúng thẩm quyền của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam theo quy định tại Luật giáo dục đại học?”, ông Vân chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên chất vấn của Quốc hội (6/11). Ông Vân còn nhấn mạnh “tôi hỏi về thẩm quyền pháp lý chứ không phải công tác cán bộ”

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã căn cứ vào các quy định của pháp luật và khẳng định “nếu trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng của Đại học Tôn đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật”.

Tuy nhiên, trong phiên chất vấn các thành viên của Chính phủ (9/11), ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định việc xử lý kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định. “Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bổ nhiệm lại vào năm 2014, đến nay ĐH Tôn Đức Thắng chưa thành lập được Hội đồng trường theo Luật mới vì lý do khách quan và chủ quan. Luật Giáo dục Đại học tại điểm d, khoản 2, điều 16 có quy định về thẩm quyền của Hội đồng trường. Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền và ra quyết định công nhận bãi nhiệm, miễn nhiệm. Trong trường hợp này, Tổng Liên đoàn không bãi nhiệm, miễn nhiệm theo Luật Giáo dục Đại học mà chỉ chỉ thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định của Luật viên chức và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật viên chức.

Trao quyền tự chủ, nên bỏ Bộ chủ quản?

Theo dõi vụ việc xảy ra tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng giữa quy định trong luật và trong thực tiễn triển khai vẫn còn một khoảng cách. “Các nghiên cứu mà nhóm chúng tôi tiến hành cùng với Ngân hàng Thế giới và Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhà trường nhìn một kiểu, các cơ quan nhà nước nhìn một kiểu, Bộ chủ quản nhìn một kiểu”, TS Phạm Hiệp, Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia chia sẻ góc nhìn với phóng viên VOV2. Theo TS Phạm Hiệp, chừng nào còn cơ quan chủ quản thì nghĩa là những rắc rối về câu chuyện này sẽ vẫn còn.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng đang có độ vênh về nhận thức. Cơ quan chủ quản chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương trao quyền tự chủ nên vẫn muốn “ôm”. Còn về phía nhà trường do được trao tự chủ nên đã thực hiện triệt để quyền tự chủ của mình. TS Khuyến nhấn mạnh “Nếu cơ quan chủ quản vẫn khư khư muốn ôm, lúc nào cũng muốn phải xin ý kiến và ban phát cho quyền này, quyền kia thì đó không phải là tự chủ đại học.

Lắng nghe tranh luận của các chuyên gia và ý kiến của cử tri, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề “có nên bỏ Bộ chủ quản với các trường Đại học” với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. “Qua câu chuyện của Đại học Tôn Đức Thắng, nhiều cử tri cho rằng nên bỏ bộ chủ quản thì việc tự chủ đại học ở nước ta mới có thể tiến tới thành công được như mong muốn. Đề nghị Phó thủ tướng nêu quan điểm?”

Tự chủ đại học là một quá trình, cần tuân thủ các nguyên tắc

Trước vấn đề đại biểu Dương Minh Ánh nêu ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong luật pháp nước ta hiện nay đã không còn Bộ chủ quản. “Trường Văn hóa Nghệ thuật thuộc UBND TP Hà Nội, chúng ta hay nói miệng là UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản nhưng luật pháp hiện nay không còn khái niệm chủ quản mà chỉ còn khái niệm là cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu”, ông Đam nêu ví dụ.

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện tự chủ đại học là một quá trình. Chúng ta đã thực hiện và đã thu được kết quả rất tốt. Có 5 điểm mang tính nguyên tắc toàn thế giới và 1 điểm có tính nguyên tắc nhưng cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự cần thực hiện.

Nguyên tắc 1: Đại học không chỉ là nơi phải làm ra tri trức, mà là nơi làm việc và sinh hoạt của tri thức, có mặt bằng nhận thức cao hơn xã hội bình thường, cho nên cả thế giới coi đại học phải xây dựng một mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hôi, đảm bảo tính dân chủ, sáng tạo, tính khoa học.

Nguyên tắc 2: Đã tự chủ thì phải luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo quy định pháp luật, đồng thời phải theo những quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.

Nguyên tắc 3: Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Ở tất cả các nước, các trường Đại học tự chủ, nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư, không chỉ để đặt hàng đào tạo hay cấp học bổng mà còn cả để xây dựng cơ sở vật chất.

Nguyên tắc 4: Tự chủ đại học không có nghĩa không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ pháp luật về giáo dục mà pháp luật nói chung về tất cả các mặt.

Nguyên tắc 5: Cũng như tất cả các nước, cả chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải có cơ chế đảm bảo các đối tượng như người nghèo, người khuyết tật hay một số đối tượng đặc thù thì không bị giảm cơ hội tiếp cận đại học.

Ngoài 5 điểm mang tính nguyên tắc, Phó thủ tướng Chính phủ còn nêu ra một điểm nữa là vấn đề chủ sở hữu của Đại học. Phó Thủ tướng cho biết khái niệm chủ sở hữu của Đại học cũng thay đổi vì đóng góp vào Đại học không chỉ là tiền, nhà cửa, máy móc mà còn là trí tuệ, học phí của người dân, và vì thế về lâu dài, khái niệm chủ sở hữu ở đây không đơn thuần là của một cơ quan nào, một tổ chức nào mà của toàn xã hội.

Những việc cần làm ngay để tự chủ đại học đi đúng hướng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thực hiện tự chủ đại học là một quá trình. Trong quá trình chuyển đổi có nhiều điểm chưa được quy định rõ, chưa có tiền lệ, thì khi xử lý phải hết sức bình tĩnh và xu hướng là phải ủng hộ chủ trương tự chủ. Để việc tự chủ đại học ở nước ta đi đúng hướng và đúng quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có hai việc quan trọng cần thực hiện. 1 - Tất cả các trường đại học phải kiện toàn hoặc thành lập mới Hội đồng trường với tư cách là một cơ quan thực quyền chứ không phải hội đồng có tính hình thức; 2 – Tất cả các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ rất tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật và phải công khai cho toàn dân biết và giám sát.