Thiếu hụt giáo viên sau dịch

Ngày 13/4, Trường mầm non tư thục Toàn Cầu (Đông Anh, Hà Nội) sẽ đón 50% học sinh mầm non đến trường so với thời điểm trước dịch. Sau kỳ nghĩ lễ 30/4, 1/5 dự kiến sẽ đón 70-80% trẻ, cộng với số trẻ nhập học mới, số học sinh của trường sẽ tương đương với thời điểm trước dịch.

Bà Nguyễn Thanh Phương, quản lý cơ sở này tính toán, với vị trí nằm cạnh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, trường không khó huy động trẻ trở lại sau dịch. Vấn đề đáng ngại là số giáo viên mầm non đáp ứng việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ lúc này đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Trước dịch Mầm non Toàn Cầu có 24 giáo viên. Đến nay, 4 cô xin nghỉ hẳn, 4 cô nghỉ thai sản. “Chúng tôi đang thiếu 20% giáo viên. Qua trao đổi với các chủ nhóm khác thì con số thiếu hụt cũng dao động từ 20-30%”.

Trong thời gian trường mầm non ngừng hoạt động, nhiều giáo viên của trường đã tìm công việc thời vụ hoặc xin làm công nhân chính thức trong các khu công nghiệp. Theo bà Phương, khi giáo viên đã quen công việc ở khu công nghiệp họ “lăn tăn” trở lại trường mầm non vì lương khu công nghiệp cao hơn lương giáo viên.

Cũng gặp vấn đề tương tự, Trường mầm non Ánh Sao, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có 12 giáo viên nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 4 giáo viên sẵn sàng đến trường. Bà Tống Thị Minh, hiệu trưởng trường này cho biết, 8 giáo viên của nhà trường ở ngoại tỉnh đã xin dạy học ở quê hoặc làm các công việc khác.

“Trường đã đăng tuyển nhưng chưa thấy có ứng viên”, bà Minh thở dài. Trên các hội nhóm giáo viên mầm non ở thời điểm hiện tại, không chỉ trường Mầm non Ánh Sao, hàng loạt trường khác cũng đang ra sức “chiêu mộ” giáo viên.

Muôn kiểu chiêu mộ

“Quá nhiều trường đăng tuyển. Mình lo nó trở thành thương trường vì mục tiêu trường nào cũng tuyển thừa còn hơn thiếu để đào tạo, giữ chân, mong chờ cô các cô ổn định để đóng bảo hiểm rồi đi vào sinh hoạt chuyên môn”, cô Tống Thị Minh chia sẻ.

Trước đây, trường mầm non Ánh Sao tuyển giáo viên với mức lương 6 triệu đồng/tháng thì bây giờ tăng lên 7 triệu đồng/tháng, thậm chí những giáo viên có kỹ năng, kinh nghiệm còn có thể cao hơn nhưng vẫn khó tuyển. Cô Minh ngao ngán “cả năm trời các cô đã bươn chải tìm việc bên ngoài nên không trách được các cô bỏ mầm non”.

Ngay trong thời điểm trường mầm non ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, lo thiếu nhân sự, từ tháng 11-12/2021, trường mầm non Hoa Mai Chích Bông (Giáp Bát, Hà Nội) đã đăng tuyển giáo viên.

“Nếu giáo viên gọi điện đến để ứng tuyển, được nhận đi làm thì nhà trường sẽ hỗ trợ chi phí trong thời gian họ nghỉ dịch, chờ việc, miễn là hết dịch họ đến trường, đi làm. Khoản chi phí đó do nhà trường chi trả”. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Dung – chủ cơ sở mầm non này dù đã “chiêu mộ” giáo viên từ rất sớm nhưng vẫn không tuyển được ai cả. Đến thời điểm trẻ đi học trực tiếp ngày 13/4, trường này vẫn thiếu 2 giáo viên.

Trước cuộc cạnh tranh tìm giáo viên gay gắt của các trường mầm non ngoài công lập, thậm chí đã xảy ra tình trạng giáo viên “đứng núi này, trông núi nọ”, nâng lên đặt xuống các quyền lợi tuyển dụng.

Theo bà Dung, trường vẫn có thể tuyển được nhiều giáo viên phụ nhưng yêu cầu của Sở, Phòng giáo dục là bắt buộc các cô phải có trình độ mầm non, thậm chí bằng cao đẳng, không chấp nhận bằng trung cấp nên việc tuyển đúng trình độ rất khó. “Nhiều bạn trái ngành hỏi nhưng chúng tôi không dám tuyển. Nếu quy định trong lớp chỉ cần 1 cô mầm non còn 1 cô phụ sẽ dễ dàng hơn cho các trường tư thục”, cô Dung chia sẻ.

Thiếu nguồn tuyển?

Theo bà Nguyễn Thanh Phương, quản lý cơ sở mầm non Toàn Cầu, bình thường sẽ có 2 giáo viên/lớp nhưng với tình trạng thiếu giáo viên như hiện tại thì chỉ đáp ứng 1-1.5 giáo viên/lớp.

Sở dĩ khó tuyển giáo viên vì không có nguồn dư giáo viên. Bà Phương đề xuất, các trường đào tạo giáo viên như CĐ Sư phạm trung ương, ĐH Sư phạm Hà Nội có thể cho sinh viên năm cuối tham gia vào khối trường tư thục để tiếp cận môi trường thực tế, có thể xác định hướng đi sau tốt nghiệp, đồng thời hỗ trợ cho khối trường tư thục ở thời điểm này.

Còn lúc này để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, mầm non tư thục Toàn Cầu đề ra chính sách đưa các cô đi đào tạo bổ sung. “Chuẩn giáo viên mầm non là CĐ nhưng để có luôn giáo viên CĐ rất khó nên có đề xuất tuyển giáo viên trung cấp, sau đó đồng ý các cô có 1-2 năm học liên thông CĐ đảm bảo chuẩn. Nhà trường sẽ hỗ trợ các cô thời gian và kinh phí”.

Sau thời gian dài nghỉ dịch, đa phần trường mầm non ngoài công lập rơi vào cảnh nợ nần. Bà Nguyễn Thanh Phương khẳng định, dù đã có chính sách cho các trường tư thục vay hỗ trợ nhưng quy định khoản vay thấp, thủ tục hồ sơ, giấy tờ nhiều.

Bà Phương cho rằng cần thêm sự hỗ trợ cho giáo viên tư thục. “Giáo viên công tác ở các trường tư thục họ được đào tạo và học tập tương đương như ở công lập nhưng trong dịch lại được hỗ trợ không đáng kể so với công lập. Trong khi đó, tư thục chiếm 28% tổng số HS thành phố. Họ đã bươn chải đủ nghề để kiếm sống trong dịch trong khi giáo viên công lập thì vẫn nhận lương đều”.

“Nếu không có sự hỗ trợ tương xứng thì đây là sự bất cập vì nếu hệ thống tư thục sụp đổ một bộ phận nào đó sẽ tạo ra gánh nặng cho khối trường công lập”./.

Lo lắng tuyển sinh

Theo bà Lê Thị Nhuệ, hiệu trưởng trường Mầm non sắc màu tuổi thơ, Nam Từ Liêm (Hà Nội), trước dịch trường có khoảng 200 HS nhưng lúc này dự kiến chỉ có 120 cháu trở lại trường.

“2 năm qua, HS cũ ra trường, học sinh bé không tuyển được. Năm vừa rồi, giai đoạn vàng tuyển sinh từ tháng 6-8 lại đúng thời điểm dịch”. Bà Nhuệ cho biết, đi học trở lại, nhà trường sẽ mất một khoảng thời gian để tuyển sinh.

Theo hiệu trưởng Trường Mầm non Sắc Màu tuổi thơ, để thu hút tuyển sinh, trường “tung” ra nhiều chính sách hấp dẫn. Chẳng hạn ưu đãi miễn miễn phí nhập học.

“Nếu nhập học theo nhóm 3 bạn được giảm 10% học phí 3 tháng đầu, 5 trở lên thì được giảm 15% của 3 tháng đầu”.