Theo khung thời gian năm học 2021 - 2022, các trường trên toàn quốc sẽ tựu trường sớm nhất ngày 1/9, học sinh lớp 1 có thể từ ngày 23/8. Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về ngày học sinh quay trở lại trường. Trong khi các trường công lập chưa có kế hoạch cụ thể về ngày tựu trường, thì nhiều trường tư thục, công lập tự chủ tài chính đã chủ động cho học sinh bắt đầu năm học mới theo hình thức trực tuyến.

Trường tổ chức dạy trực tuyến, trường vẫn cho học sinh nghỉ hè

Kỳ tuyển sinh lớp 6 và lớp 10 năm 2021, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội ưu tiên dành một số chỉ tiêu cho con em bác sĩ, cán bộ tham gia chống dịch, con em thương binh liệt sĩ.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường, năm học mới bắt đầu do điều kiện dạy học trực tuyến và chia sẻ khó khăn với các bậc phụ huynh, nhà trường quyết định giảm học phí cho tất cả học sinh bắt đầu từ tháng 7 cho đến khi học sinh trở lại trường, kết thúc dạy và học trực tuyến.

Đối với khối 6-7-10-11, HS được giảm 25% học phí, còn khối lớp 8-9-12 đã đóng học phí theo giai đoạn trước thì chỉ đóng 2 triệu/tháng.

Năm nay, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho học sinh tựu trường và dạy học trực tuyến từ ngày 2/8. Ông Bình cho rằng, việc dạy học trực tuyến không thể đạt được hiệu quả như dạy học trực tiếp nên tựu trường sớm giúp học sinh có thời gian làm quen với cách dạy và học, đồng thời giáo viên cũng có điều kiện giãn cách thời gian để vừa dạy vừa củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Từ kinh nghiệm tổ chức dạy học online những năm vừa qua cũng như rút kinh nghiệm từ kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực lớp 6 đầu cấp, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh đang hoàn thiện hơn hệ thống kiểm tra đánh giá giúp quá trình dạy và học kiểm tra đánh giá chính xác hơn.

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho rằng, dạy và học online cũng có những hạn chế nhất định như sự tương tác giữa thầy và trò, kiểm soát việc học tập của học sinh, cách truyền thụ kiến thức khó hiệu quả như dạy học trực tuyến. Do đó, đội ngũ giáo viên nhà trường tìm tòi phương pháp giảng dạy, tìm kiếm sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như thêm bảng thông minh, camera, nguồn tư liệu, phụ đề…giúp học sinh tiếp cận bổ sung thêm kiến thức.

Nhà trường đang tiến hành số hóa các dữ liệu quản lý và cả nguồn học liệu. Các nguồn học liệu số hóa do tổ nhóm chuyên môn xây dựng theo bài giảng, chủ đề, những kiến thức khó, những dạng bài tập khó, những kiến thức cần bổ sung nâng cao mà trên lớp chưa học được. Dữ liệu này được đưa lên hệ thống là nguồn tư liệu tham khảo, áp dụng vào việc dạy và học nhưng trọng tâm là giúp học sinh tra cứu học lại hoặc tự làm bài tập, củng cố kiến thức trên lớp mà các em chưa hiểu, chưa nắm được. Sự thay đổi này phần nào đáp ứng được hoạt động dạy và học trong giai đoạn dạy học trực tuyến.

Trường Lương Thế Vinh cũng tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ, bộ phận giám thị kiểm tra thường xuyên vào phòng học các lớp kiểm tra thái độ, ý thức học tập của HS, giúp thầy cô hoàn thành việc dạy học có chất lượng tốt nhất”, ông Bình chia sẻ.

Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cũng có kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến từ ngày 16/8. Ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đối với học sinh khối 11, 12 đã quen hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường không có gì khó khăn. Còn HS khối 10 sẽ hơi vất vả từ khâu cấp tài khoản office 365 đến việc tập huấn cho học sinh làm quen với công nghệ thông tin. Nhà trường làm việc với các bên để có tài khoản bản quyền cho học sinh. Đồng thời, biên tập văn bản hướng dẫn, clip cho HS làm quen sử dụng hệ thống Office 365 chuẩn bị cho học tập trực tuyến.

Theo ông Nhâm, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, việc chuyển đổi dạy học trực tuyến với trường THPT Phan Huy Chú tương đối nhẹ nhàng, bởi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học là chiến lược từ lâu của nhà trường.

Cụ thể là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cung cấp thiết bị, phần mềm tương ứng. Quan trọng nhất là tư liệu. Những thứ đó đã chuẩn bị từ nhiều năm chứ không phải 1-2 năm dịch bệnh với mục tiêu hệ thống công nghệ thông tin của nhà trường là nơi hỗ trợ tự học, tự kiểm tra, đánh giá, giúp giáo viên và HS tìm tư liệu nhanh nhất và tin cậy nhất.

Theo ông Nhâm, ngay từ đầu, trong kế hoạch giảng dạy, bộ môn xây dựng giáo án phải đáp ứng được cả tình huống dạy trực tiếp hoặc trực tuyến.

Cùng với việc các thầy cô chuẩn bị kế hoạch giảng dạy, xây dựng giáo án, còn đạt được mục tiêu giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như ốm đau đột xuất ví lý do nào đó mà không đến được trường như trong khu phong tỏa, cách ly vẫn có thể ngồi ở nhà học tập trên hệ thống trực tuyến.

Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Siêu cho HS các khối học trực tuyến từ ngày 2/8. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã cho HS các khối đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 tựu trường trực tuyến từ cuối tháng 7.

Trong khi đó, Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, năm học 2020-20211 mới kết thúc trong ngày 8/8. Khác với nhiều trường tư thục đã tổ chức cho học sinh học trực tuyến từ đầu tháng 8, Trường Marie Curie xây dựng 2 tình huống cho năm học mới.

Theo đó, trong tháng 8, lúc nào thành phố cho phép học sinh trở lại trường thì Trường Marie Curie sẽ bắt đầu tổ chức học trực tiếp. Ngược lại, nếu tháng 8 học sinh vẫn phải ở nhà vì giãn cách xã hội thì các em sẽ tiếp tục nghỉ hè đến hết tháng 8 và nhà trường sẽ không tổ chức dạy học online cả 3 cấp.

Sang tháng 9, nếu HS được trở lại trường đi học bình thường thì nhà trường dạy học trực tiếp. Nếu vẫn tiếp tục ở nhà vì giãn cách xã hội thì sẽ tổ chức dạy học online vì "không thể dừng được nữa”, ông Khang cho biết.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cần sự chủ động

Năm học 2021-2022, Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở lớp 6 với các môn học tích hợp. Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, sẽ là thách thức với các địa phương và cơ sở giáo dục nếu không có sự chủ động.

Chúng ta có lộ trình rồi nhưng nhiều trường, địa phương chưa chủ động, mới chỉ làm được giáo viên cốt cán ở cấp Bộ, còn từng giáo viên, huấn luyện nghiên cứu chương trình SGK rất chậm. Đáng lẽ thời điểm này, các giáo viên đã có thể lên khung chương trình cho bản thân mình dạy học, có thể có đề cương giáo án triển khai giảng dạy nhưng khá nhiều trường còn chậm, chưa biết chọn bộ SGK nào, chưa để tâm thế nghiên cứu cả 3 bộ SGK”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng đây là điều còn phải lo lắng.

Tuy nhiên, theo bà Thơ, với những trường có sự chủ động thì hoàn toàn yên tâm. Nguồn lực của chúng khá đảm bảo. "Con tôi năm nay cũng vào lớp 6 nên tôi cũng thấu hiểu việc này, SGK phiên bản điện tử đã được mở và truy cập, mấy ngày qua con gái tôi cũng tham gia nền tảng đó, mở trang web và xem được cả 3 bộ sách, các nhà trường, giáo viên hối hả với tập huấn với các môn học mới, tích hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội", bà Thơ chia sẻ.

Trao đổi về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết, với học sinh lớp 6, nhà trường đã lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, tham gia các khóa tập huấn triển khai chương trình mới. Bên cạnh đó, nhà trường tự mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn giáo viên dạy lớp 6.

Nhà trường hướng dẫn các em làm quen dạy và học trực tuyến. Đầu tháng 7 khi các em nhập học đã được nhận đầy đủ SGK. Nhà trường cũng tổ chức những đợt tập huấn, họp tổ chuyên môn để thống nhất phương thức tiếp cận, cách dạy phù hợp với HS.

Học sinh lớp 1 học trực tuyến thế nào?

2 năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, các trường học đã cho học sinh làm quen với việc học trực tuyến. Tuy nhiên, sẽ là bất cập với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1.

Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie, dạy học online cho học sinh từ mẫu giáo lên cực kỳ khó. Ngay giữa thủ đô Hà Nội, các quận trung tâm, cứ cho là phương tiện kỹ thuật bố mẹ trang bị đầy đủ nhưng ở tuổi đó, các em chưa biết thao tác", ông Nguyễn Xuân Khang khẳng định.

Ông Khang cho biết, nếu sang tháng 9 nếu học sinh vẫn ở nhà, trường buộc triển khai trực tuyến thì vẫn phải cho HS lớp 1 làm quen với hình thức này chứ không thể chờ đợi, dù hiệu quả có thể chỉ đạt 10-20%.

Lúc này, phụ huynh sẽ phải đóng vai trò là một “tiểu giáo viên” và cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để hướng dẫn các con học.

Theo ông Khang, cần có những bước đệm cho HS lớp 1.Trước tiên cần tập huấn với phụ huynh để họ biết cách dùng mạng như thế nào, vào phần mềm ra sao. Khi người lớn quen rồi, từ nội dung giáo viên hướng dẫn cho con nghe, bố mẹ bên cạnh sẽ làm thay cho con những động tác kỹ thuật./.