Mặc dù theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, mặt bằng điểm trúng tuyển đại học năm 2022 so với năm 2021 không có sự chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên xét ở từng ngành/chương trình đào tạo, phương thức và tổ hợp xét tuyển cụ thể thì có sự xáo trộn đáng kể so với kết quả tuyển sinh năm 2022.

Các ngành/chương trình đào tạo như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Báo chí-Truyền thông, Logistic, Ngôn ngữ… vẫn thống trị trên bảng xếp hạng “top” các ngành có mức điểm chuẩn cao. Ngược lại, nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, ngoại trừ nhóm ngành Công nghệ thông tin còn giữ được sức “nóng” thì các ngành còn lại đều có mức điểm chuẩn bằng hoặc sụt giảm so với năm 2021.

Khối ngành Khoa học sức khỏe ngoại trừ 3 mã ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Dược giữ được điểm chuẩn ở mức cao còn lại thì các nhóm ngành khác như Y tế công cộng, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Xét nghiệm… điểm chuẩn đều giảm.

Phân tích kết quả tuyển sinh năm 2022, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng, sự trồi sụt điểm trúng tuyển đại học của một số ngành/nhóm ngành một phần liên quan đến nhu cầu xã hội, định hướng nghề nghiệp của học sinh có sự thay đổi.

Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây theo thầy Ngọc là năm 2022, các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh (20 phương thức), trong đó đáng chú ý là các phương thức xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… Điều này khiến cho tương quan điểm chuẩn giữa các phương thức xét tuyển có sự xáo trộn.

"Năm nay các trường dành tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp... quá nhiều dẫn đến chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT còn ít. Kết quả như chúng ta thấy, điểm chuẩn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp bị đẩy lên rất cao, cao đến giả tạo", thầy Ngọc nói.

(Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc)

Cũng theo thầy Ngọc, việc một lượng lớn thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực quốc tế làm căn cứ xét tuyển cũng tác động đến mặt bằng điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Điều đáng nói việc nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực quốc tế ít nhiều làm giảm cơ hội trúng tuyển đại học của học sinh nông thôn, miền núi, những nơi có điều kiện học tập khó khăn…

“Lệ phí thi chứng chỉ IELTS, TOEFL rất đắt đỏ. Ngoài ra còn chi phí học, ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế rất tốn kém, ngay cả học sinh thành thị chưa chắc có đủ điều kiện chứ chưa nói gì tới học sinh nông thôn, miền núi. Do vậy nếu như không có sự kiểm soát và khống chế tỷ lệ xét tuyển bằng phương thức này thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của học sinh thuộc nhóm yếu thế”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.

Phân tích kết quả tuyển sinh năm 2022, TS. Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng lo ngại tình trạng lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong xét tuyển. Ông cho rằng, tấm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ phản ánh mức độ nhất định về năng lực sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Thậm chí có những ngành học không cần đòi hỏi quá cao về năng lực ngoại ngữ so với các môn khoa học khác.

“Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở mức độ nào đấy nó làm méo kết quả xét tuyển. Chúng ta thấy 2 năm trở lại đây đã nở rộ phong trào học, luyện thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, IELTS để xét tuyển đại học. Rõ ràng điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những người có điều kiện và người không có điều kiện”, TS Lê Đông Phương nói.

Bên cạnh đó, theo ông Phương, việc lạm dụng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng có thể dẫn đến tình trạng sau khi nhập học sinh viên nhận thấy không phù hợp với ngành học, quá trình học bị đuối và có thể bỏ học, chuyển ngành. Điều này sẽ gây lãng phí cho gia đình, xã hội.

“Điều này là không ổn và các trường cần thực sự cân nhắc việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển và nên tìm những phương thức xét tuyển khác phù hợp hơn”, TS Lê Đông Phương nhấn mạnh.

(TS. Lê Đông Phương)

Đề cập tới phương thức tuyển sinh tin cậy nhất trong bối cảnh hiện nay, TS Lê Đông Phương cho rằng, kết quả các Kỳ thi đánh giá năng lực, các kỳ thi riêng mà một số trường đại học đang tổ chức đang dần chứng tỏ độ tin cậy. Xu hướng là nên mở rộng các kỳ thi đáng giá năng lực.

“Nhà nước, các trường nên có chính sách hỗ trợ thí sinh để học sinh ở tất cả vùng miền có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Xu hướng chung là có thể tổ chức thi trực tuyến ngay ở địa phương của mình”, TS Lê Đồng Phương đề xuất.