Ngày 20/4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp”.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt trước tác động của đại dịch COVID-19, việc nâng cao kỹ năng mới cho người lao động, phát triển các kỹ năng số là rất cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu với các cú sốc kinh tế và xã hội đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu việc làm.

Trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục nghề nghiệp nhằm hiện đại hóa đổi mới nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp…

Đặc biệt, đến nay có khoảng 60% các trường Cao đẳng ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo trực tuyến trong một số môn học. Một số trường đã tiến hành giảng dạy trực tuyến qua các phần mềm tự xây dựng hoặc qua các ứng dụng Zoom, Microsof team; Áp dụng bài giảng số hóa và mô phỏng vào quá trình đào tạo; Triển khai thư viện điện tử và từng bước số hóa các chương trình giáo trình để làm các nguồn học liệu.

“Mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi số thông qua việc tăng cường kỹ năng số cho lực lượng lao động trẻ, góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp”, TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp” sẽ tập trung vào 2 hoạt động chính: Hoàn thiện và sử dụng nền tảng học tập trực tuyến để triển khai đào tạo kỹ năng số cho học sinh, sinh viên và lao động di cư trên địa bàn các tỉnh tham gia dự án; Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Các hoạt động của dự án sẽ được thực hiện tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai.

Bà Maria Nenette A. Motus, Giám đốc Khu vực, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương (Tổ chức Di cư Quốc tế) khẳng định, việc cung cấp các hoạt động đào tạo kỹ năng đa dạng cho lao động phổ thông trong nước, bao gồm cả người di cư là việc làm rất ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt việc hợp tác với Tập đoàn Microsoft cũng là một tín hiệu đáng mừng, vì những nỗ lực phát triển kỹ năng và những sáng kiến việc làm sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tham gia trực tiếp và tích cực của khu vực tư nhân.

Cũng tại Hội thảo khởi động Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp”, Ban tổ chức đã giới thiệu phiên bản nâng cấp của nền tảng học tập trực tuyến congdanso.edu.vn, được phát triển dưới sự hợp tác của Tổ chức Di cư Quốc tế và Microsoft, ra mắt và đi vào thử nghiệm từ năm 2021.

Nền tảng congdanso.edu.vn sẽ cung cấp 6 khóa học trong chương trình xóa mù kỹ năng số và có thể cung cấp một số khóa học nâng cao theo hình thức đại trà trực tuyến mở và miễn phí (MOOCs), tập trung hướng tới người lao động di cư và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Giao diện đơn giản của nền tảng giúp người học dễ dàng truy cập, thao tác và học tập.

Sau khi học xong các học phần, người học sẽ nhận được chứng nhận hoàn thành do Microsoft cung cấp.