Bảo tàng của tình đồng đội

Với diện tích 10.000m2, Bảo tàng Quang Minh (thuộc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh) - nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu trong hai cuộc chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc đang trở thành một địa chỉ đỏ thu hút khách tham quan.

Bảo tàng Quang Minh được xây dựng ngay tại khuôn viên của Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh, với diện tích 2 phòng trưng bày, là loại hình lịch sử truyền thống với 3 chủ đề: sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh và Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh (15% diện tích); Truyền thống cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (35% diện tích); Phát huy truyền thống bản chất bộ đội cụ Hồ (50% diện tích).

Vào năm 2019, từ một phòng truyền thống, Bảo tàng Quang Minh chính thức được TP. Hải Phòng cho phép thành lập. Khi biết tới Bảo tàng Quang Minh, rất nhiều người đã gửi hiện vật, tư liệu cho Bảo tàng. Trong đó, Quân đoàn 4, bộ đội biên phòng, bộ đội đặc công, các binh chủng... đều gửi rất nhiều hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng đã có tới hơn 2.000 hiện vật, tài liệu và được hầu hết các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội đến thăm, trồng cây lưu niệm, ghi lưu bút sổ vàng truyền thống...

Với bất kỳ ai, mỗi khi có dịp ghé thăm Bảo tàng Quang Minh đều vô cùng ấn tượng trước những kỷ vật, những dấu tích của các cuộc kháng chiến xa xưa. Trong Bảo tàng, các hình ảnh, tư liệu được sắp xếp trưng bày theo trình tự thời gian, diễn biến của sự kiện lịch sử.

Ở đây, những đồ dùng và dụng cụ tác chiến của các chiến sĩ, các chiến lợi phẩm thu được của quân đội Mỹ, 2 khẩu súng thành tích: Súng cao xạ 14,5mm và pháo cao xạ 23mm và cả tờ báo Quân đội nhân dân số ra đầu tiên mà hiện giờ chỉ riêng Bảo tàng Quang Minh mới có. Cùng với đó là mô hình đất nước Việt Nam hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Tấm phù điêu bằng đá khắc họa những hình ảnh tượng trưng suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan.

Hiện nay, mỗi ngày Bảo tàng Quang Minh đón tiếp lượng khách rất đông đến tham quan. Đặc biệt là học sinh các trường đến tham quan, học ngoại khóa, tìm hiểu về lịch sử...

Sắp tới, Bảo tàng Quang Minh sẽ được Bộ Quốc phòng xét duyệt được phép đưa các máy bay, xe tăng và các loại vũ khí lớn để trưng bày ngoài trời. Như vậy, bảo tàng sẽ có nhiều hiện vật làm phong phú thêm nội dung trưng bày, vừa có nhiều hiện vật để học sinh trải nghiệm và du khách đến tham quan các kỷ vật từ thời chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới.

Còn sống là còn trân quý tình đồng đội...

Chắc ít ai biết rằng, người có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Quang Minh chính là thương binh 1/4, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Ban liên lạc Truyền thống Anh hùng Thành phố, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 9 tại Hải Phòng Trần Hồng Quảng.

Trở về sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thương binh Trần Hồng Quảng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, luôn trăn trở: Phải làm gì để giúp những người đồng đội đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, để lại chiến trường một phần xương máu có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc? Thế rồi ông đã lập ra và đưa Xí nghiệp Quang Minh phát triển, lập nên bao “chiến tích” trên mặt trận phát triển kinh tế.

Xuất phát từ những tình cảm sâu sắc với những người đồng chí, đồng đội; Cùng quan niệm là làm bảo tàng cho những đồng đội đã ngã xuống, tuy các anh mất rồi nhưng kỷ vật vẫn còn, để người thân của các anh thấy được kỷ vật như thấy được con em mình nên dù mất rất nhiều công sức, kinh phí nhưng Anh hùng Trần Hồng Quảng và anh chị em cán bộ công nhân viên xí nghiệp đã quyết tâm xây dựng nhà truyền thống, đến nay là bảo tàng Quang Minh.

Anh hùng lao động Trần Hồng Quảng trải lòng: “Làm việc này, tôi thấy thanh thản. Tâm huyết làm bảo tàng của tôi đã được tập thể cán bộ công nhân Xí nghiệp Thương binh Quang Minh cùng chung tay xây dựng, chứ mình tôi chắc chắn không thể làm được. Xí nghiệp là đơn vị chính sách, trong số hơn 100 lao động thì thương binh chiếm 82%, còn lại là con em gia đình chính sách phục viên. Những người làm việc ở đây đều vừa sản xuất, vừa kiêm nhiệm công tác bảo tàng.”

Đã từ lâu, Anh hùng Trần Hồng Quảng lập một kênh youtube riêng để thông tin về việc tìm kiếm hiện vật. Bởi vậy, đến nay, các hiện vật vẫn tiếp tục được gửi về. Và mỗi khi biết ở đâu có hiện vật, anh Quảng sẽ dành thời gian, công sức, tiền bạc để đưa được hiện vật đó về bảo tàng.

Hơn 20 năm miệt mài lao động sáng tạo, đứng vững trên thương trường, làm kinh doanh hiệu quả, cống hiến cho đời, Tổng Giám đốc Trần Hồng Quảng đã được vinh danh bằng rất nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2005, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; năm 2016, tập thể Xí nghiệp và cá nhân Tổng Giám đốc Trần Hồng Quảng đều vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước.

Hiện nay, Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng không chỉ là đại diện của một bộ phận thương binh, người khuyết tật nơi Xí nghiệp mình mà còn đại diện cho đông đảo thương binh, người khuyết tật cả nước với chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và người khuyết tật Việt Nam. Chức vụ này càng đặt lên đôi vai người thương binh - doanh nhân thêm nhiều trọng trách, nhiều nỗi niềm trăn trở.

Trở về từ chiến trường ác liệt, giữ vững bản chất người lính, mãi xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”, “chiến đấu” trên mặt trận thương trường, làm giàu cho quê hương, giúp đỡ anh em thương bệnh binh và người khuyết tật vượt khó, hòa nhập cộng đồng là tâm nguyện luôn cháy bỏng trong trái tim người thương binh giàu nghị lực và trí tuệ Trần Hồng Quảng. Những phần thưởng quý báu ông vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng và sự tin tưởng, yêu mến của đồng đội là động lực vô giá để ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phát triển giàu mạnh của đất nước.

Anh hùng Trần Hồng Quảng là minh chứng cho những phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, dù ở thời bình hay thời chiến đều luôn tỏa sáng rạng ngời, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

(Theo Tạp chí Hòa nhập)