67 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm” vẫn vẹn nguyên và là niềm tự hào của đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song.

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Trong căn nhà nhỏ trên phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) những ngày đầu tháng 5.2021, đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song (88 tuổi) kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hào hùng, những ngày tháng khó quên nơi chiến trường Điện Biên năm xưa.

Với mỗi người dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử của dân tộc như một mốc son chói lọi, thể hiện niềm tự hào của dân tộc, mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Nhớ về những trận đánh năm xưa, đại tá Đặng Đức Song kể: “Tháng 4.1952, tôi bắt đầu lên đường nhập ngũ. Tôi cùng đồng đội tham gia các mặt trận Tây Bắc, Đông Xuân 1953 – 1954. Trong đó, chiến dịch Điên Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm là đáng nhớ nhất với những tháng ngày khoét núi, ngủ hầm của tôi”.

Đại tá Đặng Đức Song tham gia chiến dịch khi vừa tròn 20 tuổi, khi ấy ông là chiến sĩ thuộc Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ phòng ngự ở Đồi Xanh - điểm cao 781. Đây là vị trí quan trọng ở phía Đông cụm cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đại tá Song kể, trong trận đánh Đồi Xanh, ông là tiểu đội phó phụ trách trung liên. Từ ngày 3 đến 5.3.1954, địch liên tục bắn pháo, bỏ bom nhưng quân ta vẫn đào hào để chuẩn bị chiến đấu. Địch huy động 3 tiểu đoàn có xe tăng, pháo binh bắn tan hoang cả Đồi Xanh. Chỉ trong ngày 3.3.1954, địch tấn công lên Đồi Xanh 5 đợt, trong đó, đợt thứ 3 địch tấn công lên chúng tôi khoảng hơn 1 trung đội, chúng bò lên cách chỗ ông phòng ngự khoảng hơn 10m.

“Chỉ có 24 người nhưng chúng tôi đã đánh lui rất nhiều đợt tấn công của địch và phối hợp với đơn vị cao xạ bắn rơi máy bay địch, bảo vệ an toàn Đồi Xanh. Sau trận đánh đó, cả 24 chiến sĩ được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi xanh”, đại tá Song tự hào nói.

Trong trận chiến lô cốt trên đồi C1, ông làm tiểu đội trưởng xung kích, đã diệt và bắt giữ hàng chục tên địch, thu được một số chiến lợi phẩm quan trọng, trong đó có hai khẩu trung liên của Mỹ quý giá, đồng thời với cách đánh phù hợp đã hạn chế tối đa thương vong ở phía ta.

Sắc son tình đồng đội

Đại tá Song kể, đã 67 năm trôi qua nhưng tình đồng chí, đồng đội và cuộc sống trong chiến tranh, những gian khổ, mất mát vẫn luôn hiện hữu, thường trực trong ông. Trong trận Đồi Xanh, tiểu đội của ông có 7 người thì hy sinh mất 4 người.

Ông còn nhớ như in, 15h ngày 7.5.1954, khi quân ta đang ở đồi C1 thì địch đầu hàng. Ông và đồng đội đã chứng kiến và rất phấn khởi khi nhìn thấy địch đi hàng đoàn, vứt súng từng đống một trước quân ta. Dưới Mường Thanh (Điện Biên), cờ trắng và vải trắng, dù trắng của địch xin đầu hàng căng lên khắp nơi.

Ngày 7.5.1956 - 2 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người chiến sĩ anh dũng, quả cảm Đặng Đức Song được Nhà nước tuyên dương và trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Với đại tá Song, mỗi lần nhắc đến ngày 7.5 là ký ức trong ông lại tràn về những cảm xúc khó tả xen lẫn niềm vinh dự, tự hào. Hình ảnh đoàn lính quân của ta rất dũng mãnh, đeo súng còn quân địch thì đầu hàng, giơ tay là khoảnh khắc không bao giờ quên đối với ông.

“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là thế hệ trẻ luôn giữ vững được truyền thống và thành quả của cha ông ta, phát huy những truyền thống đó cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, ông Song mong muốn.

Trở về địa phương, đại tá, Anh hùng Đặng Đức Song vẫn tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh địa phương, được tổ chức và hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Hiện nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng đại tá Đặng Đức Song vẫn là hội viên tích cực tham gia vào hoạt động của Hội Cựu chiến binh phường Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội).

(Theo Laodong.vn)