Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lý Nhân (Hà Nam) giàu truyền thống cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Vũ Đức Thắng xung phong lên đường chiến đấu. Sau khi bị thương, trở về địa phương, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông gắn bó, dành trọn đời mình với sự nghiệp “trồng người”.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, đồng lương thấp, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn hhưng ông Thắng vẫn tận tâm, tận lực với công việc dạy học, đồng thời dành thời gian nghiên cứu khoa học. Tài năng và nhiệt huyết của ông mang lại kết quả tốt khi đề tài nghiên cứu khoa học được ghi nhận bằng tấm bằng Lao động sáng tạo cấp Nhà nước. Ông Thắng cũng chính là nhà giáo đầu tiên của huyện Lý Nhân được vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.

Năm 1993, Trường Năng khiếu huyện Lý Nhân (sau này là Trường THCS Nam Cao) được thành lập với 8 lớp, mỗi khối một lớp Văn, một lớp Toán. Cơ sở vật chất là hai dãy nhà cấp bốn, nguyên là của một đơn vị quân đội để lại. Lãnh đạo nhà trường chỉ có một người, là thầy giáo - cựu chiến binh Vũ Đức Thắng. Giáo viên giảng dạy là cán bộ, giáo viên từ các trường khác được điều động về. Tuy khó khăn, thiếu thốn mọi bề là vậy nhưng nhà trường vẫn đi vào hoạt động và nhanh chóng ổn định.

Ông Thắng vừa động viên học sinh đến trường, vừa động viên giáo viên yên tâm công tác. Cứ thế, trường dần dần phát triển, luôn trong tốp đầu các trường Trung học cơ sở của tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và chất lượng trí dục, chất lượng học sinh giỏi. Trường liên tục được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là Tập thể lao động xuất sắc, được tặng Cờ Thi đua xuất sắc; được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất.

Cựu chiến binh - thầy giáo Vũ Đức Thắng tâm sự: “Tôi tin rằng giáo viên là một trong những người quan trọng và chịu nhiều trọng trách nhất của xã hội vì nỗ lực trong nghề nghiệp của họ ảnh hưởng tới số phận của cả nhân loại”. Bởi vậy, cựu chiến binh Vũ Đức Thắng, trong vai trò người thầy, luôn hết sức quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Ông luôn tạo mọi điều kiện để họ học tập nâng cao kiến thức, phát huy năng lực chuyên môn.

Sau gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học và cống hiến cho ngành Giáo dục đào tạo huyện Lý Nhân (Hà Nam), năm 2008, ông được nhà nước cho nghỉ chế độ. Nhưng ông đã không chọn cuộc sống nhàn hạ, nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già mà tham gia công tác khuyến học của quê hương và trở thành Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lý Nhân. Ông Thắng tâm sự: “Trước hết tôi tự hào và thấy có trách nhiệm với vùng quê hiếu học Lý Nhân, với các em học sinh. Hiện nay, vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện học tập còn thiếu thốn mà nếu không có sự hỗ trợ, các em có thể dang dở chuyện học hành. Những kiến thức, kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giáo dục của tôi rất phù hợp với công tác khuyến học, nhưng hơn hết tôi muốn chắp cánh cho những ước mơ nhỏ bé”.

Nói là làm, ông Thắng vận dụng mọi nguồn lực xã hội để trao các phần quà, học bổng ngắn hạn và dài hạn cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Những phần quà, những suất học bổng ấy là sự đầu tư lớn lao, có ý nghĩa nhất dành cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của nước nhà, đã động viên kịp thời các em học sinh tự tin vươn lên trong học tập và rèn luyện. Ghi nhận những đóng góp ấy, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã trao tặng cho cựu chiến binh - thầy giáo Vũ Đức Thắng bằng khen năm 2017. Năm 2022, ông tiếp tục được bình chọn là một trong những Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982-2022.

Có thể nói, trong vườn hoa những tấm gương học tập, làm theo Bác, cựu chiến binh - thầy giáo Vũ Đức Thắng là tấm gương tiêu biểu, chân thực. Lối sống, những cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục là những bông hoa đẹp nhất, sắc hương nhất dành tặng cho xã hội hôm nay.

Nguồn: quankhu3.vn