Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn hiện hữu. Biết bao gia đình đến nay vẫn chưa thể tìm được hài cốt người thân. Trên dải đất hình chữ S vẫn còn hàng vạn liệt sỹ còn nằm lại nơi núi cao rừng sâu, không 1 tấm hình, không 1 dòng địa chỉ. Thấu hiểu nỗi đau đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm, quy tập hài cốt, lấy mẫu sinh phẩm phục vụ công tác giám định ADN của liệt sỹ với hy vọng góp phần xoa dịu nỗi đau.

Do địa hình, địa chất, thời tiết, khí hậu, nơi chôn cất liệt sỹ ban đầu còn sơ sài, hồ sơ quản lý không tốt nên việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ gặp nhiều khó khăn. Không ít lần những thành viên trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ đi tìm đồng đội như “mò kim đáy bể” vì có những phần mộ do người dân cung cấp nhưng khi nơi thì chỉ còn lại 1 vài viên đá, không 1 dấu vết…Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ ngậm ngùi “Chỉ thương bạn sau nhiều lần tìm kiếm, xương thịt phai tàn còn lại nắm đất nâu”.

Trong vòng 10 năm từ 2010 – 2020, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sỹ Việt Nam đã hỗ trợ, tìm kiếm quy tập được hơn 200 hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng, hỗ trợ và tổ chức giám định ADN 1.047 hài cốt liệt sỹ, giám định 665 hài cốt cốt liệt sỹ với tỷ lệ xác định đúng là 69,47%, cất bốc và di chuyển được 955 hài cốt liệt sỹ từ các nghĩa trang và các chiến trường về quê hương yên nghỉ theo nguyện vọng của gia đình. Tuy vậy cả nước vẫn còn khoảng 180.000 liệt sỹ chưa được quy tập, khoảng 300.000 mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin. Đây là con số không hề nhỏ, là món nợ lớn đối với các gia đình liệt sỹ. Theo ông Phan Sỹ Thao - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên Website của Hội nhằm cung cấp thông tin liệt sỹ, mộ liệt sỹ; thu nhập, kết nối, xử lý thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu là 1 trong những chiến trường gian khổ và ác liệt. Nơi đây là căn cứ cách mạng, địch tập trung nhiều lực lượng càn quét nên lực lượng của ta cũng hy sinh nhiều. Sau chiến tranh, các đội quy tập của các đơn vị và chính quyền địa phương đã quy tập được hơn 3.000 hài cốt liệt sỹ trong đó có 270 liệt sỹ chưa xác định danh tính, quy tập được 26 hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang huyện Long Điền - Đất Đỏ, trong đó có 2 trường hợp đã có kết quả giám định ADN xác định đúng danh tính, trả lại tên cho liệt sỹ. Để có được kết quả này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phải tìm các tiếp cận với các hồ sơ gốc để xác minh thông tin đa chiều, có sự phối hợp giữa các lực lượng như: các cựu chiến binh, các phòng viên là nhân chứng, các cá nhân và tổ quốc tế đặc biệt là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, công tác giám định ADN gặp nhiều khó khăn do hài cốt nhiều năm đã không đảm bảo chất lượng để làm giám định, chỉ có 2/11 mẫu sinh phẩm đạt chất lượng. Vì vậy, trong thời gian tới Hội mong muốn Viện Hòa Bình Hoa Kỳ tư vấn về công nghệ xét nghiệm ADN mới trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị.

Hơn 1 năm nay, Viện Hòa Bình - Hoa Kỳ luôn quan tâm đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, chất độc da cam và việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Để nâng cao hiệu quả của công tác này thì điều quan trọng là phải tăng cường các sáng kiến hoạt động hợp tác giữa nhân dân và cựu chiến binh 2 nước để chia sẻ, trao đổi thông tin trong việc tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh. Ông Andrew Wells – Dang, PhD – Viện Hòa Bình Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc không chỉ những người đang làm nhiệm vụ tìm kiếm mà còn thôi thúc mỗi người dân đất Việt. Ngày nào hài cốt của các liệt sỹ chưa được tìm thấy thì chúng ta vẫn còn trăn trở, day dứt chưa yên./.