Sáng nay (1/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại đây, các đại biểu đề cập đến một vấn đề không mới nhưng luôn được người dân quan tâm, đó là chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức.

Tháng 10 tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân, đến nay đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương, tuy nhiên, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

Ba năm qua, chúng ta đã liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vậy nhưng, sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt đôn đốc, vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ. Trong khi lựa chọn phương án thắt lưng buộc bụng để đầu tư phát triển, một phần nguồn lực của chúng ta vẫn chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khi so sánh chính sách tiền lương với các nước trong khu vực đã thể hiện một khoảng cách không nhỏ. Một sinh viên mới ra trường có mức thu nhập là 3,48 triệu đồng, còn mức lương trung bình của một công chức là khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu như quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức của Thái Lan có thu nhập 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu thực tế.

Chính vì vậy, cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế.

Cùng quan tâm đến chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, đại biểu Trần Hồng Nguyên, Đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, chế độ tiền lương là nội dung quan trọng để người dân đảm bảo cuộc sống, tạo động lực để người lao động yên tâm cống hiến trong công việc.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị Chính phủ sớm giải quyết chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 cho người lao động.

Hiện nay, tình trạng "chảy máu" lao động có chuyên môn cao, lao động lành nghề tình trạng chuyển dịch từ khu vực nhà nước sang tư nhân, sang các doanh nghiệp FDI, thậm chí xuất khẩu lao động đã và đang diễn ra ngày một tăng.

Vì vậy, chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động cần được cải thiện đặc biệt cần có giải pháp đột phá, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình kiến nghị.

Đai biểu Nguyễn Văn Thân cũng nhấn mạnh rằng: Đầu tư cho con người là đầu tư cho lâu dài, cho tăng trưởng bền vững, công việc này cần được tiến hành ngay từ thời điểm này.

Tranh luận với một số ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề. Bởi lẽ, phải tăng bao nhiêu thì mới được gọi là đủ đảm bảo cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh nêu quan điểm, ngoài tăng lương còn cần nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động. Hay thực hiện chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ.

Cùng với đó là triển khai các chính sách nhà ở xã hội, đảm bảo trẻ em được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng. Chính sách ưu đãi thu hút nhân lực và khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao. Mặt khác, cũng cần phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, thiết kế được quy trình làm việc khoa học, rõ ràng.

Tất cả những điều này, “nếu chỉ việc tăng lương thì khó có thể gánh vác hết”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh phân tích.